Hai lần đón Tổng thống Mỹ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đón Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump thăm chính thức Việt Nam liên tiếp trong hai năm 2016 - 2017. Đặc biệt, chuyến thăm của ông Donald Trump mở ra một “cánh cửa lịch sử mới” khi đây là vị Tổng thống đầu tiên Mỹ đến Việt Nam ngay trong năm đầu cầm quyền.
Dấu mốc quan trọng
Ngày 23/5/2016, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đã có chuyến thăm đến Việt Nam và là vị Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau các chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton và năm 2006 của Tổng thống George W. Bush). Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì lễ đón chính thức vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ với nghi thức trang trọng nhất.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nâng quan hệ Việt-Mỹ lên tầm mức mới. (Nguồn: AP) |
Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama, hai bên đã thống nhất công bố quyết định của Mỹ về việc xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây được xem là dấu mốc quan trọng quan hệ Việt - Mỹ, thể hiện sự bình thường hóa hoàn toàn sau hàng chục năm hai nước từng là cựu thù trong chiến tranh.
Phát biểu trước 2000 người dân Việt Nam, Tổng thống Obama đã nói rằng: “Tim tôi đã nhiều lần rung động trong chuyến thăm này”. Ông Obama không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng ông là người đầu tiên, giống như nhiều người dân Việt Nam, lớn lên khi cuộc chiến giữa hai nước đã không còn. Khi quân đội Mỹ rời Việt Nam, ông Obama mới 13 tuổi.
Chính vì vậy, trong chuyến thăm này, ông Obama cùng với Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi hội đàm, bàn về vấn đề đẩy mạnh hơn hợp tác và lòng tin giữa hai nước, đặc biệt là giữa quân đội hai bên. Tổng thống Mỹ khẳng định, Mỹ tiếp tục đào đào tạo và cung cấp trang thiết bị cho cảnh sát biển Việt Nam để giúp Việt Nam nâng cao năng lực biển, hợp tác cứu trợ nhân đạo trong thảm họa thiên nhiên.
Theo ông Obama, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí vốn áp đặt từ năm 1975 này sẽ giúp “bình thường hóa hơn nữa quan hệ giữa hai nước”. Sự thay đổi này sẽ đảm bảo để Việt Nam có thể tiếp cận các trang thiết bị cần thiết để phòng vệ và gạt bỏ những tàn tích từ thời chiến tranh. Việc này cũng thể hiện cam kết của Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Việt Nam bao gồm củng cố quan hệ quốc phòng với Việt Nam trong dài hạn.
Tại thời điểm thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Obama chỉ còn khoảng 6 tháng trên cương vị Tổng thống nước Mỹ. Trong phát biểu của mình, ông Obama đã nói: “Tôi không còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ của mình và tôi sẽ nỗ lực dành những thời gian còn lại thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ”. Ông cũng khẳng định rằng, vấn đề Biển Đông và nguyên lý tôn trọng tuyệt đối, nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ trong quan hệ với các cường quốc.
Mở cánh cửa lịch sử
Tháng 1/2017, sau khi ông Obama rời Nhà Trắng, người kế nhiệm là đương kim Tổng thống Donald Trump đã mở "cách cửa lịch sử" chưa từng có.
Năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Mỹ là một nền kinh tế thành viên. Đây là sự kiện đa phương quan trọng nhất trong 2017 và cũng là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam nhằm triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Trái ngược với sự ủng hộ mạnh mẽ TPP của người tiền nhiệm, ông Donlad Trump quyết "khai tử" chính sách "xoay trục" sang châu Á và giữ quan điểm "Nước Mỹ là trên hết". Chính vì vậy, vào thời điểm đó, khó có thể biết được sự quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với APEC là như thế nào.
Chuyến thăm được chính giới đánh giá đã mở ra "cánh cửa lịch sử" chưa từng có, bởi vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu cầm quyền. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tháng 4/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã trực tiếp chuyển đi bức thư Chủ tịch nước Trần Đại Quang trịnh trọng mời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam.
5 tháng sau, tháng 9/2017, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam dự Hội nghị cấp APEC và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từ ngày 11 - 12/11/2017.
Chuyến thăm được chính giới đánh giá đã mở ra "cánh cửa lịch sử" chưa từng có, bởi vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu cầm quyền.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: "Tổng thống Donald Trump lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong số các nước Đông Nam Á thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới, cũng là thông điệp về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump bày tỏ vinh dự lớn lao khi có mặt tại Việt Nam. Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Hôm nay chúng ta không còn là kẻ thù mà đã là bạn”. Ông Doanld Trump đã dành lời khen ngợi với Việt Nam hiện tại: "Nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập, các sinh viên Việt Nam nằm trong số những sinh viên rất giỏi của thế giới. Đó là sự chuyển mình ấn tượng của Việt Nam”.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung và khẳng định cam kết tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và quyết tâm chung đối phó với các thách thức an ninh khu vực.
Thực hiện theo thỏa thuận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 11/2017, tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ đến Việt Nam, chính thức thực hiện chuyến thăm hữu nghị lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc phòng hai nước.
Ngay sau khi nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, sáng 22/9/2018 (giờ Hà Nội), Tổng thống Donald Trump đã gửi thư chia buồn và bày tỏ: “Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ. Ông đã ân cần đón tiếp tôi trong chuyến thăm cấp Nhà nước lịch sử của tôi đến Hà Nội vào tháng 11/2017, và tôi cảm ơn ông về cam kết của cá nhân ông nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam. Chúng tôi sẽ không quên những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế”.