Hai cha con phi công hy sinh trong thời bình: Nỗi đau người Mẹ VNAH trẻ nhất
Chỉ trong vòng có hơn 10 năm, chị Thủy đã mất đi người chồng là một phi công Không quân Việt Nam cự phách, mẫu mực cả trong đời thường cũng như trong công việc - Thượng tá, Anh hùng LLVTND Dương Văn Thanh, tiếp đó là con trai Dương Lê Minh, cũng là một thiếu tá phi công "nòi", cả hai cha con đều hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay.
Người phi công anh hùng
Cứ mỗi dịp cả nước chộn rộn kỷ niệm ngày thành lập QĐND VN (22.12), lòng chị lại ngùi ngùi. Chị lặng lẽ nhìn lên di ảnh chồng và con trai trên bàn thờ. Hai người đàn ông ấy luôn nhìn chị, vẫn trẻ mãi với cái tuổi của họ lúc hy sinh.
"Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tận cùng đớn đau ấy và tưởng như nó mới diễn ra đây thôi. Hôm ấy, khi đang chạy xe máy trên đường, bỗng dưng có điện thoại mời vào ngay đơn vị của chồng tôi.
Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi chạy xe thẳng vào đơn vị anh ấy mà quên mất rằng khi qua cổng gác của đơn vị bộ đội, ai cũng phải xuống xe", chị Thủy bồi hồi nhớ lại câu chuyện của 14 năm trước.
Anh Dương Văn Thanh ra đi ở tuổi 49, tấm lịch trên bàn làm việc của anh đã ngừng lại chiều ngày 29.4.2005.
Đại tá Đoàn Văn Khang, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân nhớ lại:
"Thượng tá Dương Văn Thanh bấy giờ là Phó trung đoàn trưởng huấn luyện. Chiều ngày 29.4.2005, trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện học viên Đào Việt Hưng trên máy bay huấn luyện phản lực L-39, khi bay trên bầu trời vịnh Nha Trang thì gặp sự cố kỹ thuật.
Chỉ huy bay đã nhiều lần ra lệnh cho các phi công nhảy dù, nhưng anh Dương Văn Thanh đã chấp nhận hy sinh, để học viên Đào Việt Hưng nhảy dù bảo toàn sinh mạng, còn anh thì bình tĩnh thao tác các kỹ thuật hướng máy bay ra phía biển, nhằm cố tránh không để máy bay lao vào Khu du lịch Vinpearl đang có đông người trên đảo Hòn Tre.
Sau khi tìm kiếm, lực lượng cứu hộ của Trường sĩ quan Không quân đã thấy xác máy bay dưới đáy biển, còn anh Thanh đã hy sinh trong tư thế đang ngồi trong buồng lái!".
Việc chấp nhận hy sinh, cố lái chiếc máy bay khỏi đâm xuống khu du lịch, Thượng tá Thanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 2007.
Theo chân người cha
Ở thời điểm đó, Dương Lê Minh (sinh 1984), con của anh Thanh đang là học viên của Trường sĩ quan Không quân. Thấy nghề phi công quá nhiều bất trắc, chị Thủy khuyên Minh không nên nối nghiệp cha nữa nhưng Minh vẫn nuôi ước mơ nối gót theo cha mình.
Sau khi tốt nghiệp trong nước và trải qua khóa đào tạo phi công ở nước ngoài, Minh về nhận nhiệm vụ ở Vũng Tàu. Có ngờ đâu, 11 năm sau, tai họa lại giáng xuống đầu đứa con trai của chị Thủy.
Sáng 18.10.2016, Thiếu tá phi công Dương Lê Minh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay, bỏ lại người vợ trẻ và hai con dại. Chị Thủy nhận hung tin về đứa con trai như đã từng nhận điều đó 11 năm trước. Một lần nữa, tai họa lại ập xuống đời người đàn bà tội nghiệp này.
Chị Thủy đang thắp nén hương trên bàn thờ chồng và con trai tại tư gia. Ảnh: Công Thi |
Mẹ Việt Nam Anh hùng
Chị Lê Thị Minh Thủy có cha là người quê ở TP. Nha Trang, tập kết ra miền Bắc năm 1954, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị theo gia đình trở về quê nhà.
Chị đã nỗ lực học tập trở thành cán bộ y tế, phục vụ nhiều năm tại Bệnh xá Công an Khánh Hòa với quân hàm thiếu tá, mới được nghỉ theo chế độ chính sách của ngành. Tháng 7. 2018, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng".
Giờ đây, niềm an ủi lớn nhất của chị là 2 đứa cháu nội và 1 cháu ngoại. Mẹ Việt Nam Anh hùng giữa thời bình như trường hợp của chị Thủy quả thật hiếm hoi.
Nguồn: Trí thức trẻ