Hai Bộ trưởng lý giải nguyên nhân 'có tiền mà không tiêu được'
Trong đó, Bộ trưởng GTVT, KH&ĐT giải thích rõ về tình trạng "có tiền mà không tiêu được", nhiều dự án đầu tư công giải ngân chậm.
Thiếu động lực trong thực hiện các nhiệm vụ
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đúng như nhiều ĐB nêu, tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong một bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công chậm trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Tình trạng giải ngân chậm là điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế |
Cập nhật tình hình của 10 tháng cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch QH giao và cũng chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch của Thủ tướng giao.
"Tức là so với 9 tháng như đã báo cáo QH thì tăng không đáng kể và đều khẳng định là thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2018”, Bộ trưởng KH&ĐT nói.
Ông cũng cho hay, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, với nhiều các giải pháp khác nhau ngay từ những tháng đầu của năm, như việc giao kế hoạch vốn rất sớm, trước ngày 31/12 đã giao được 91,26% nhưng còn lại hơn 33.000 tỷ ( hơn 8%) không đủ điều kiện và thủ tục theo luật quy định nên không thể giao được.
“Trong suốt từ đầu năm đến giờ, chúng tôi cũng đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục. Thủ tục đầy đủ đến đâu thì giao đến đó. Đến nay, chúng ta đã giao thêm được hơn 5.000 tỷ.
Khẳng định đến nay vẫn còn 27.000 tỷ chưa giao được. Báo cáo Quốc hội rõ về việc xây dựng thực hiện các thủ tục, quy trình để đủ điều kiện giao theo luật định chúng ta không đáp ứng được, chúng tôi không thể giao được, vì luật quy định như vậy”, ông Dũng giải thích thêm.
Theo tư lệnh ngành KH&ĐT, mặc dù đã tổ chức nhiều đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy cũng như tháo gỡ các khó khăn, giải quyết vướng mắc nhưng trên thực tế tình hình vẫn rất chậm được cải thiện.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó có tập trung phân tích, đánh giá và làm rõ các nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân khách quan do bất cập từ thể chế, luật pháp còn một số chồng chéo và vướng mắc.
Chính phủ cũng xác định khâu tổ chức thực hiện vẫn là nguyên nhân chủ yếu như công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, việc giao kế hoạch chậm cả ở TƯ và ở các cấp bộ, ngành, địa phương.
Tức là giao chi tiết cũng rất chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; công tác tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát nhà thầu,... còn nhiều hạn chế và cơ bản là thiếu động lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94, trong đó có việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị các đoàn ĐBQH, ĐBQH tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình vừa để nâng cao hiệu quả giám sát ngay tại cơ sở, vừa giúp chính quyền địa phương thấy rõ được những nguyên nhân và gợi ý đưa ra những giải pháp hết sức hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ tin tưởng rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2030 sẽ có những bước cải thiện đáng kể.
Cuối năm sẽ giải ngân 90%-95%
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, năm nay Bộ GTVT là một trong 3 đơn vị có vốn ngân sách lớn, cùng với TP Hà Nội và TP.HCM.
“Chúng tôi được giao 26.000 tỷ, nhưng năm nay chúng tôi giải ngân chậm, một số dự án trọng điểm cũng chậm”, Bộ trưởng GTVT nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ GTVT là một trong 3 đơn vị có vốn ngân sách lớn |
Cụ thể, bộ bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và cho 14 dự án với 15.000 tỷ QH đã thống nhất giữa năm 2017. Đến thời điểm này, bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng và theo tiến độ các địa phương cam kết.
Từ đây đến tháng 12, sẽ giải ngân được khoảng 4.000/7.000 tỷ phần giải phóng mặt bằng cho toàn tuyến. 14 dự án giao thông cấp bách 15.000 tỷ, từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án vì hiện nay đang đấu thầu và cũng đã chuẩn bị mặt bằng.
“Trong 3 dự án đầu tư công thì từ đây cho đến cuối năm, chúng tôi sẽ khởi công thêm khoảng 12 gói thầu nữa, do nhiều công trình chuẩn bị đầu tư, cuối năm chúng ta mới khởi công. Do đó, một phần kinh phí sau khi khởi công sẽ cho nhà thầu tạm ứng thì giải ngân phần xây lắp”, Bộ trưởng Thể thông tin.
Về phần mặt bằng các địa phương, dự kiến từ đây tới cuối năm có thể giải ngân được khoảng 10.000 tỷ liên quan đến giải phóng mặt bằng và việc tạm ứng các dự án khởi công.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết còn có khoảng 10.000 tỷ liên quan đến vốn ODA cũng giải ngân chậm. Có một số dự án đã được giao vốn ODA mới, kinh phí rất lớn được QH thông qua nhưng triển khai tương đối chậm.
Bên cạnh đó, một số dự án đang triển khai do vướng mắc về mặt thủ tục, do điều chỉnh nên hơi chậm.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định, quyết tâm từ đây cho đến cuối năm sẽ giải ngân bằng mặt bằng chung của cả nước là từ 90%-95%.