Hà Tĩnh: GĐ Sở NN&PTNT bị Bí thư tỉnh “xoay” liên tục vì mất mùa lịch sử
Cái mất lớn nhất là niềm tin của nhân dân
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh là đại biểu đầu tiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra sáng nay.
Vụ mất mùa lịch sử vì đạo ôn cổ bông xảy ra đối với giống lúa Thiên ưu 8 là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh trả lời chất vấn (Ảnh:HTTV). |
Theo ông Nguyễn Văn Việt, nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến vụ mất mùa nghiêng vế yếu tố thời tiết. Nguyên nhân chủ quan là do tập quán canh tác dày, phân bón không cân đối tạo điều kiện cho đạo ôn cổ bông phát triển…
Tuy nhiên, để làm rõ vụ việc còn phải chờ kết luận cuối cùng của Hội đồng khoa học.
Ông Việt đã nhận trách nhiệm của ngành nông nghiệp trước việc để xảy ra vụ mất mùa lịch sử vừa qua, đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan nếu có.
Theo đại biểu huyện Thạch Hà, sau khi ở huyện này phát hiện trên đồng có hiện tượng đạo ôn cổ bông, thì huyện đã thông báo đến công ty Cổ phần Cung ứng giống cây trồng Trung Ương, đơn vị cung ứng giống Thiên Ưu 8 qua điện thoại, đồng thời phát văn bản yêu cầu công ty đến làm việc. Tuy nhiên, công ty giống không có phản hồi, không về làm việc. Huyện đã phát văn bản lần 2, công ty tiếp tục không hợp tác.
“Đến 13h5p trưa 10.5, chúng tôi nhận được văn bản của công ty nhưng lại kí ngày 27”. Trước việc thiếu hợp tác khắc phục, đại biểu đề nghị Sở trả lời với người dân, và muốn có câu trả lời từ phía công ty?
Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, vai trò của công ty chưa kịp thời. Giống lúa Thiên Ưu được đưa vào sản xuất thử năm 2015, 2016 cơ bản sạch bệnh nên các cơ quan có phần chủ quan, bất ngờ trước bệnh đạo ôn cổ bông.
Sau khi xảy ra bệnh, ngành nông nghiệp đã liên lạc với công ty, và công ty đã cho cán bộ vào kiểm tra với ngành nhưng khi đó bệnh đã đến giai đoạn cuối.
“Công ty trả lời chưa thuyết phục, vẫn cho rằng do thời tiết, tiêu chuẩn giống đảm bảo. Tỉnh sẽ thành lập đoàn thành tra làm rõ để xử lý theo quy định, làm rõ tính pháp lý quảng cáo trên bao bì nhãn mác”, Giám đốc Sở NNPTNT trả lời.
Liên quan đến giống Nghệ An 2 không nảy mầm trong vụ hè thu, một đại biểu cho rằng tỉnh đã có bài học đắt giá năm 2014, khi có hàng trăm tấn giống VTNA2 không nảy mầm. Câu trả lời quen thuộc do thời tiết và nông dân không tuân thủ kĩ thuật. Vậy trách nhiệm nhà nước và công ty như thế nào? Tại sao vẫn chọn đơn vị Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An (đơn vị cung ứng giống VTNA2-PV) cung ứng giống?
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, vụ xuân 2016, ngành đã xin ý kiến UB tỉnh cho đưa giống lúa trên vào sản xuất có kiểm soát. Khi đưa vào thấy giống vẫn có năng suất nên tiếp tục sử dụng trong vụ mùa hè thu này. Khi có hiện tượng tỷ lệ nảy mầm thấp ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… ngành có cử đoàn vào kiểm tra. Hai bên xác định quy trình ngâm ủ chưa đúng.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Tôi và đồng chí Khánh (Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – PV) chia 2 đoàn đi kiểm tra. Bị động, lúng túng, thậm chí là né tránh, đùn đẩy. Rất là không hài lòng với một số đồng chí trả lời trên thông tin đại chúng do thời tiết". |
“Trong vụ mùa vừa qua, nếu chia đầu người, mỗi người mất 59 kg gạo. Nói thật là lớn, nhưng lớn hơn nữa là mất niềm tin của nhân dân. Tôi nhất trí với đồng chí giám đốc, tuy nhiên trong câu trả lời thì vẫn đang phải chờ kết luận đoàn của bộ và tỉnh… Vậy sở đã tham mưu ủy ban tỉnh như thế nào trong xử lý trách nhiệm đối với công tác chỉ đạo lãnh đạo của ngành, công tác tổ chức thực hiện của các đơn vị cơ sở, kể cả phòng nông nghiệp thời gian tới?”, đại biểu Nguyễn Quốc Hà (TX Kỳ Anh) chất vấn.
Ông Nguyễn Văn Việt khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn có đủ cơ cấu giống để sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, sắp tới trách nhiệm của ngành cần bài bản và kĩ lưỡng hơn. Đồng thời cần đa dạng giống múa, tăng cường kiểm soát dịch bệnh... Còn “trách nhiệm đến đâu chúng tôi xử lý đến đó”, ông Việt nói.
Theo đại biểu Lê Ngọc Huấn (Hương Khê), thị trường tiêu thụ sản phẩm quan trọng số 1. Hiện nay sản phẩm nông nhiệp khó khăn nhất là thịtrường tiêu thụ. Thời gian vừa qua giá lợn, lúa, lạc giá rất thấp, rất khó khăn trong việc tiêu thụ, vậy ngành nông nghiệp có giải pháp gì tạo điều kiện thị trường tiêu thụ cho người dân?
Ông Việt cho rằng tìm thị trường tiêu thụ là vấn đề chung của cả nước. Hiện ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã có những giải pháp cụ thể, trong đó một trong những giải pháp là sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, tạo thương hiệu có chất lượng và tính cạnh tranh cao, tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường.
“Bị động, lúng túng, thậm chí né tránh, đùn đẩy”
Trước phần chất vấn và trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Việt, nhiều đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước, đặc biệt là trong công tác vận hành bộ máy hoạt động trong thực tiễn chỉ đạo, lãnh đạo.
Bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc mất mùa thì nguyên nhân chủ quan là số 1.
“Bệnh chủ quan, kể cả người dân trên đồng ruộng của mình và cả cơ qan quản lý. Nhiều người dân nói cán bộ khuyến nông ở cơ sở chỉ thấy rộn rã khi tiếp thịvề giống, phân. Còn khi có vấn đề về dịch bệnh thì không thấy đâu”, bà Nữ Y nói.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh:HTTV). |
Trước phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh gay gắt: “Thiếu sâu sát cơ sở, thiếu tận tụy công việc hàng ngày, mà đầu tiên phải nói là ngành, đó là vận hành bộ máy. Dự tính dự báo thế nào? Sơ sài lắm. Không có một điện thoại chỉ đạo của giám đốc sở mà chỉ là phó giám đốc sở thôi”.
“Các đồng chí bị động lắm. Tôi và đồng chí Khánh (Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – PV) chia 2 đoàn đi kiểm tra. Bị động, lúng túng thậm chí là né tránh, đùn đẩy. Rất là không hài lòng với một số đồng chí trả lời trên thông tin đại chúng do thời tiết.
Tôi không phủ nhận thời tiết, nhất là bệnh đạo ôn rất nhạy cảm thời tiết. Nhưng mà nếu chúng ta xâu chuỗi từ đầu đến cuối thì do thời tiết thế nào được khi từ tháng 12 đã có quy hoạch, kiểm tra giống. Tôi thấy có yếu tố thời tiết chứ đừng đổ thời tiết cả. Tất nhiên còn phải chờ kết luận có hội đồng khoa học”, ông Sơn nói.
Trước ý kiến của ông Nguyễn Văn Việt cho rằng một trong những nguyên nhân gây mất mùa là do tập quán canh tác của người dân, ông Lê Đình Sơn không đồng tình.
Ông Sơn chất vấn “Tại sao bên này bị bên này không. Không nên đổ cho nông dân, các giống bên cạnh ảnh hưởng đâu. Tôi nói để chúng ta cần trách nhiệm trước nhân dân”.