Hà Nội: Xử cán bộ rất nhiều nhưng khắc phục sai phạm cực khó
Xử cán bộ rất nhiều nhưng khắc phục sai phạm cực kỳ khó
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, nguyên nhân chủ quan dẫn đến các sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông, lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ, GPMB, an toàn cháy nổ… có trách nhiệm rất rõ của việc chỉ đạo chưa quyết liệt, sự vào cuộc chưa nghiêm, chưa trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Nam nhận định, chúng ta xử lý không nghiêm, để các vi phạm tồn đọng, kéo dài, diễn biến phức tạp và càng về sau càng khó xử lý.
“Vừa rồi chúng ta xử lý cán bộ rất nhiều nhưng khắc phục những sai phạm để lại thì cực kỳ khó, nhất là liên quan đến đất đai”, ông Nam nhấn mạnh.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP kiến nghị công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần có nhiều hình thức “trúng” với các đối tượng khác nhau.
TP cần tăng cường kỷ cương, thể hiện trong điều hành và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong quản lý đất đai và phòng chống cháy nổ.
“Chúng tôi đi giám sát, khảo sát, nhìn điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ ở các địa phương còn rất lo. Cái này ở địa phương, chính quyền cơ sở, công an tham mưu như nào để ngăn ngừa, chứ nếu để xảy ra thảm họa chết nhiều người là trách nhiệm của chúng ta”, ông Nam bày tỏ lo lắng.
Thống nhất phương án vay lại dự án đường sắt đô thị
Trước khi bước vào phần thảo luận, trình bày báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP. Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, các Ban HĐND cơ bản nhất trí với báo cáo của UBND.
Về phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, bà Hồ Vân Nga cho hay việc TP thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án.
"Phương án vay lại này được HĐND TP quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của TP theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của TP và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND TP trình", bà Nga nhấn mạnh.
Về việc đưa dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong điều kiện cân đối các nguồn lực của TP hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA cho dự án không vượt quá hạn mức vay nợ của TP; khả năng cân đối ngân sách TP để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến Kế hoạch tài chính trung hạn của TP giai đoạn 2021-2025.
"Nội dung trình và ý kiến của HĐND TP là bước pháp lý ban đầu đáp ứng yêu cầu về hồ sơ trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất về việc cần sớm triển khai dự án và đề nghị HĐND TP chấp thuận việc triển khai dự án từ nguồn vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài)", bà Hồ Vân Nga nói.
ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) |
Bổ cập nước cho sông Tô Lịch chảy sẽ giải quyết phần lớn ô nhiễm
Bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho hay, vừa qua UBND TP đã có chủ trương tìm những giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông hồ, đây là những dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thực trạng của hệ thống sông hồ với quá trình phát triển hiện vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự tập trung chương trình, kế hoạch, nguồn lực.
Ông Tuấn đề nghị UBND TP có thể nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững, đảm bảo đa mục tiêu như có thể xem xét khả năng cống hóa đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu…
“Điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông, UBND TP cần xem xét đến khả năng biện pháp mạnh hơn liên quan đến phát triển không gian.
ĐB Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) nhấn mạnh việc giải quyết ô nhiễm các dòng sông, đặc biệt ưu tiên xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Trước hết là bổ cập cho dòng sông có nước để chảy, giảm ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài.
Ông Đức nhắc lại, năm 2006, Bộ trưởng TN&MT Mai Ái Trực có đưa ra giải pháp trước mắt nên cấp nước cho sông Tô Lịch được chảy, kể cả sau này chúng ta xử lý môi trường thì dòng sông cũng cần được chảy. Từ đó có thể tạo ra tuyến giao thông đường thủy.
Dẫn câu thơ từ thời xưa: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, ĐB Đức cho rằng, ý tưởng bê tông hóa dòng sông là không nên vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thủy và tâm linh. Ông đề nghị TP trước mắt bổ cập nước cho sông Tô Lịch chảy sẽ giải quyết phần lớn ô nhiễm.