Hà Nội tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của người dân qua email, SMS, website
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cần chú trọng hơn nữa việc khai thác các kênh thông tin trực tuyến như hộp thư điện tử, chuyên mục Hỏi – Đáp trên Cổng/ Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và iếp nhận tin nhắn qua các số điện thoại di động công khai… (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ đối với cá nhân, tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, các Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thành phố năm 2017 còn ở mức thấp, đặc biệt là các yếu tố, nội dung về tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân và trách nhiệm giải trình với người dân, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và công khai minh bạch.
Nhận định rằng những yếu tố, nội dung kể trên thực chất đánh giá mức độ và hiệu quả trong tương tác giữa chính quyền với người dân, lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn thời gian tới phải tăng cường cung cấp thông tin đến người dân, tổ chức và mở rộng ác hình thức tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị, góp ý.
Cụ thể, để tăng cường cung cấp thông tin đến người dân, tổ chức và mở rộng các hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, góp ý, trong văn bản chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường thị trần nghiêm túc thực hiện một số nội dung công việc.
Trong đó, các cơ quan, đơn vị tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện nghiêm quy định về bố trí các hình thức tiếp nhận, góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; tích cực xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị và kịp thời thông báo kết quả xử lý đến người dân, tổ chức.
Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần duy trì và phát huy hiệu quả các hình thức tương tác giữa chính quyền và người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, như: tổ chức đối thoại; tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; công khai số điện thoại đường dây nóng…
Đáng chú ý, lãnh đạo UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội phải đa dạng hóa các cách thức tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của người dân; chú trọng hơn nữa việc khai thác các kênh thông tin trực tuyến như hộp thư điện tử, chuyên mục Hỏi – Đáp trên Cổng/ Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; tiếp nhận tin nhắn qua các số điện thoại di động công khai…
Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần công khai đầy đủ và đúng hình thức các nội dung phải công khai theo quy định, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác công khai dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm cảu cấp xã; dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng dất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn…; Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân; phân loại, xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy trình để bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.