Hà Nội tham vấn các chuyên gia xây dựng Thành phố thông minh
Đây là sự kiện do UBND thành phố Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức với mục đích chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy xây dựng phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thông qua việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới: IoT, Big Data, AI, AR…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị có sự tham dự của trên 600 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh; các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp chuyên ngành CNTT; gần 70 đại biểu quốc tế từ 20 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông David Wong - Chủ tịch ASOCIO, tổ chức CNTT lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và bà Yvonne Chiu - Chủ tịch WITSA, tổ chức CNTT lớn nhất toàn cầu tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%.
Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...
Nhu cầu xây dựng một Thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội đã ban hành Kế hoạch với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh.
Hà Nội kỳ vọng, các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam tại Hội nghị sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Với chủ đề Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số, Hội nghị có nhiều phát biểu quan trọng: Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam do Bộ Xây dựng trình bày; các chuẩn kết nối cho Thành phố thông minh, bảo mật an toàn thông tin khi các thành phố trở nên kết nối hơn; phân tích dữ liệu và lập kế hoạch dựa trên các dữ liệu và đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng Thành phố thông minh của Thụy Điển; mô hình “xã hội 5.0” của Nhật Bản; các bài học kinh nghiệm trong xây dựng Thành phố thông minh của Malaysia và các xu hướng công nghệ mới cho Thành phố thông minh của Google.
Các diễn giả tập trung nhấn mạnh: việc xây dựng các Thành phố thông minh cần chú trọng đến mục tiêu phát triển vững về con người và môi trường. Thụy Điển chú trọng tới sản phẩm bền vững, thân thiện như năng lượng sạch, xử lý rác thải thông minh, xe điện. Nhật Bản lại hướng tới xây dựng xã hội 5.0 phục vụ tối đa mục tiêu phát triển con người trên nền tảng công nghệ mới...
Báo cáo "Công nghệ mới cho thành phố thông minh hơn" - ông Jay Jenkins, Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á cho biết, Việt Nam có nhiều đô thị thông minh, các đô thị thông minh có Internet kết nối vạn vật, từ thành phố đến vùng nông thôn giúp chúng ta xây dựng đất nước thông minh.
“Hà Nội là một đô thị thông minh khi ở đó có nhiều cảm biến giao thông lắp đặt ở khắp thành phố Hà Nội. Trên đường phố mọi người thường xuyên dùng Google map; theo đó, Hà Nội có nhiều dữ liệu giúp người dân đi lại thuận tiện, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, ông Jay Jenkins nhấn mạnh.
Cũng trong buổi sáng, hội thảo diễn ra phiên tọa đàm sáng có chủ đề Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo, do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA điều phối, với sự tham gia của các khách mời quan trọng: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và một loạt các đại sứ, nhà lãnh đạo đến từ nhiều nước như Thụy Điển, Phần Lan, Bangladesh, Nepal, Malaysia… Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các khía cạnh thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hạ tầng làm nền tảng cho xây dựng Thành phố thông minh.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, 6 hội thảo chuyên đề với những chủ đề đang được Hà Nội và các thành phố ở Việt Nam có kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh quan tâm, bao gồm: Chính quyền số và chiến lược xây dựng Thành phố thông minh; Thành phố thông minh hơn với ít giao dịch tiền mặt hơn; Hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các Thành phố thông minh; Dữ liệu định hướng: Thu thập, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch cho các thành phố; Công nghiệp thông minh; Các ứng dụng và giải pháp cho Thành phố thông minh.
Ban Tổ chức kỳ vọng, những kinh nghiệm, giải pháp được chia sẻ tại ASOCIO Smart City Summit 2018 - Hà Nội sẽ mang lại không chỉ cho Hà Nội, mà còn với các tỉnh, thành phố trên cả nước những giải pháp giải quyết các vấn đề của thành phố dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những kinh nghiệm thực tế triển khai, những mô hình hợp tác công - tư hiệu quả và những tư vấn cho một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng Thành phố thông minh thành công, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.