Hà Nội sẽ làm sống lại những dòng sông “chết”
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội. |
Buổi gặp mặt do Thành ủy Hà Nội tổ chức hôm 11/6. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch HDND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đến tham dự.
Về phía đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, dự buổi gặp mặt có GS, AHLĐ Vũ Khiêu; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố; nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gửi lời chào mừng và thông báo đến đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức về tình hình phát triển của Thủ đô trong thời gian qua.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, với vị trí đặc biệt quan trọng, thủ đô của đất nước, Hà Nội đã phát huy ngày càng tốt hơn vị thế, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá trải qua 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên nhiều lĩnh vực. Đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị có chuyển biến tốt. Thành phố đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô... góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh Thủ đô đang đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù trong quá trình phát triển, với khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu cấp bách như tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, cơ sở hạ tầng quá tải và chưa đồng bộ….
“Với tinh thần thực sự cầu thị, lãnh đạo Thành phố mong muốn được lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, nhất là những kế sách, những giải pháp sáng tạo, phù hợp để Hà Nội thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là niềm tự hào, là trái tim của cả nước”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Cần làm sống lại những dòng sông “chết”
Đáp lời Bí thư Thành ủy Hà Nội, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam thẳng thắn cho biết Hà Nội đang gặp khó trong kiểm soát sự phát triển của Thành phố, có nhiều nguy cơ phá vỡ kiến trúc bởi những siêu dự án, tác động lớn đến dân cư, hạ tầng xã hội.
“Thành phố phấn đấu giảm 2 vạn dân khu vực nội đô nhưng thực tế lại tăng lên, chính vì thế, ngay từ đầu phải kiểm soát tốt việc phát triển của các dự án xây dựng đô thị, nhà ở. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước hiện tại của Thành phố được thiết kế với quy mô 2 triệu dân, nhưng, hiện nay Thành phố có gần 10 triệu dân đang sinh sống, chính vì thế, cần ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước để Thành phố không còn bị ngập úng” – KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị kiến trúc sư này cũng kiến nghị Hà Nội nên có cơ chế khuyến khích các công trình, kiến trúc xanh, như khen thưởng những kiến trúc sư thiết kế dự án xanh, cấp giấy chứng nhận, giảm thuế cho các công trình xanh; nâng tỷ lệ cây xanh trong các công viên của Thành phố, đồng thời khuyến khích, đi tiên phong trong phát triển nghệ thuật kiến trúc hiện đại.
Bổ sung thêm ý kiến trên, một số đại biểu văn nghệ sĩ khác cũng cho rằng, 9 dòng sông của Hà Nội hiện nay đều bị ô nhiễm, một số trở thành dòng sông "chết". Hà Nội cần quan tâm, cải thiện ô nhiễm môi trường và làm sống lại các dòng sông.
GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội đề nghị Thành phố cho tiếp tục triển khai dự án cải tạo môi trường, mở rộng dòng chảy sông Tô Lịch đã được đơn vị này đề xuất từ năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, Thành phố có cơ chế để các hội tham gia ý kiến đóng góp, phản biện đối với các dự án, đề án, chương trình của Thành phố, qua đó đảm bảo tính khoa học, khả thi.
Trong khi đó, dưới cái nhìn của một nhà hội họa, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng cho rằng, Hà Nội cần đổi mới trong công tác trang trí, tuyên truyền trên đường phố theo hướng hiện đại. “Chúng ta không giăng quá nhiều biểu ngữ ngang đường như hiện nay, thay vào đó bổ sung thêm nhiều biểu báo, biển chỉ dẫn cho người dân và du khách” – họa sĩ Khánh Chương nói.
Phát biểu kết thúc buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu đại diện cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Bí thư thành ủy mong muốn, sau hội nghị, các đại biểu tiếp tục gửi cho Thành phố những kiến nghị, đề xuất để Thủ đô phát triển, gương mẫu, đi đầu. “Lãnh đạo Thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ và chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chia sẻ, thời gian qua, Thành phố chưa tận dụng được nhiều ý kiến phản biện của đội ngũ nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, vì vậy trong thời gian tới, sẽ chỉ đạo để các đề án, dự án, công trình của Thành phố sẽ được lấy ý kiến rộng rãi hơn. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho biết Thành phố đang có chương trình làm sống lại các dòng sông, với nguồn vốn dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng, mục tiêu không chỉ cải thiện môi trường mà còn khắc phục tình trạng ngập lụt của Hà Nội.