Hà Nội sẽ bỏ “giờ giới nghiêm”: Lựa chọn an ninh hay phát triển?
Hình ảnh minh họa |
Câu chuyện Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, tuyên bố sẽ bỏ quy định giới nghiêm, cấm bán hàng tại các tụ điểm vui chơi, ăn uống sau 24h vẫn đang nóng trên các điễn đàn du lịch. Là một người làm trong lĩnh vực du lịch, tôi không lạ gì sự xung đột quan điểm của những người làm kinh tế du lịch và những cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự. Người thì cho rằng an ninh cao làm gì khi nghèo, khi cản trở, và ngược lại bên kia thì cho rằng an ninh là gốc của mọi sự phát triển.
Nhưng không ai nhận ra một điều, đó là 2 mặt của một vấn đề, rằng cả 2, bảo vệ an ninh trật tự và phát triển kinh tế du lịch, gắn bó chặt chẽ với nhau. Chỉ khi an ninh trật tự được bảo toàn tốt, thì du lịch mới phát triển. Và du lịch, một nhu cầu chính đáng của nhân dân, là đối tượng để ngành an ninh phục vụ, đồng thời nguồn thu từ kinh tế du lịch hoàn toàn có thể tái đầu tư cho công tác an ninh.
Và quan trọng hơn, dường như những người của 2 ngành chưa bao giờ thử ngồi lại với nhau, tâm sự, đưa ra lo lắng vì nhiệm vụ của mình, và hỗ trợ nhau tìm giải pháp chung như những đối tác.
Người viết bài này đã có cơ hội đi vài nước, đến một số điểm vui chơi kiêm mua sắm. Không khó để nhận ra rằng, ở những nơi này 24h, 7 ngày trong tuần 365 ngày trong năm, lúc nào cũng sôi động và “hấp dẫn”.
Và chính người viết cũng giật mình mỗi khi lên máy bay, ngồi cộng lại những số tiền mình đã tiêu ở những chỗ đó. Nhưng lần sau lại thế. Điều đáng ngạc nhiên là an ninh của các điểm này luôn khá tốt. Đôi khi cũng xảy ra vài sự cố ầm ĩ, nhưng chỉ vài tháng sau là lại đông đúc như cũ. Và thống kê của nhiều nước phát triển du lịch cũng cho thấy, doanh thu từ du lịch chủ yếu đến từ ăn, chơi, mua sắm chứ không phải bán tour lữ hành hay vé tham quan. Thái Lan là điển hình, thậm chí ngành dịch vụ còn có thể trợ giá ngược cho bán tour lữ hành hay vé tham quan, khiến tour đi Thái luôn có giá “giật mình”.
Mà du lịch Việt, thì từ hàng chục năm nay, vẫn bị cả du khách, lẫn hướng dẫn viên, rồi công ty lữ hành và cả lãnh đạo ngành than thở vì thiếu dịch vụ, thiếu chỗ tiêu tiền, mua sắm, vui chơi... Đến nỗi một nghiên cứu gần đây cho biết du khách chỉ dừng lại trung bình 1,2 đêm trên điểm du lịch mới nổi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, dẫu rằng để lên đến đây, du khách mất 2-3 ngày cả đi lẫn về. Con số chi tiêu trung bình trên ngày còn đáng buồn hơn nhiều.
Có một ví dụ, mà tôi cho là mang tính gợi ý rất cao cho những người hữu trách ở 2 lĩnh vực này. Nhiều năm trước, khi tôi còn học ngành Du lịch tại thành phố Đà Lạt, khi có bạn bè đến thăm, tôi thường đưa đến quán ốc 3A Đốc Đá, ngay sau lưng trường Đại học Đà Lạt, và rất gần trụ sở công an phường 8. Ốc xào và hàng loạt các món hải sản vỏ giáp xác ở đây khá nổi tiếng trong thành phố. Và ăn hải sản thì hầu như ai cũng nhu cầu uống chút đồ uống có cồn để khử tanh. Bà chủ quán vẫn bán rượu bia bình thường, chỉ với 1 điều kiện: tối đa 1 xị (chừng 250ml) một người, hoặc 3 lon bia một người. Ngừng bán bia rượu sau 22 giờ đêm. Từ chối phục vụ những khách có dấu hiệu say rượu và nhắc nhở khách đang ăn uống giữ trật tự khi đêm về khuya. Tôi thấy quán này mở rất khuya mà chưa bao giờ bị công an phường gần đấy nhắc nhở.
Khi tôi hỏi liệu có ký cam kết gì với Công an phường không? Bà chủ quán cười, nói làm gì có, chẳng qua tui muốn yên ổn làm ăn, quán xá văn minh, càng ít ông say tui càng bán được nhiều anh ơi, mà cũng tội mấy anh Công an dẹp mấy ông say quá trời. Mấy anh Công an thấy tui ra quy định thế cũng ủng hộ hết mình luôn.
Đơn giản vậy thôi, chả có gì mâu thuẫn giữa an ninh và phát triển cả.