Hà Nội: Phương án bồi thường đã duyệt, nhưng tiền không có
Hội nghị về công tác thu hồi đất, bồi thường và bố trí quỹ đất tái định cư trên địa bàn Hà Nội diễn ra ngày 9/5, nhiều quận huyện phản ánh những vướng mắc về nguồn vốn, do phía chủ đầu tư không bố trí đủ nguồn tiền chi trả cho người dân.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Vũ Văn Hậu, đến tháng 5/2013, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi được giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố trên 7.700 ha, với trên 77.500 hộ có nhu cầu đất dịch vụ. Từ kết quả nhận được, ông Hậu đánh giá công tác GPMB các khu đất dịch vụ rất chậm, chỉ đạt 44%.
Nguyên nhân được xác định do chưa bố trí được vốn kịp thời, hoặc chưa giao đất dịch vụ cho các hộ dân. Theo tính toán để GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần đất dịch vụ còn thiếu 295 ha thì cần có 4.700 tỷ đồng.
Nhiều công trình dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố gặp khó khăn về GPMB, quỹ nhà tái định cư. Ảnh minh họa |
Thực tế chỉ có trên 9.000/77.500 hộ mới được giao đất dịch vụ, chỉ tương đương 6,1%. Thậm chí có quận, huyện như Mê Linh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh…còn chưa giao được cho hộ nào.
Trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 23 dự án lớn nhỏ, với số diện tích thu hồi 1.375 ha của 20.000 hộ dân. Đặc biệt trên địa bàn huyện này có hai dự án trọng điểm là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và ĐHQG cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn.
Đơn cử với dự án Khu Công nghệ cao, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cho biết đến giờ mới chỉ giải ngân được 120 tỷ, trong khi nhu cầu thực tế cần đến 6.000 tỷ. Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết 2013 phải hoàn thành, như vậy từ nay đến cuối năm sẽ còn phải huy động một lượng vốn rất lớn cho dự án này.
Tương tự một số dự án quan trọng nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và việc bố trí quỹ nhà tái định cư. Trong 4 tháng huyện chỉ thực hiện được 64 trên tổng số 128 dự án và tiến hành giải phóng được 19 dự án.
Từ Liêm có hai tuyến đường sắt đô thị số 2 và 3 chạy qua. Tuy nhiên theo lãnh đạo huyện Từ Liêm hiện vẫn còn 160 hộ chưa xác định được địa điểm tái định cư. Ngoài ra nhiều dự án đã xây dựng và hoàn thành phương án bồi thường cho người dân, nhưng chủ đầu tư lại không bố trí được nguồn tiền.
Để việc GPMB mang lại hiệu quả, lại không bị phát sinh thêm rắc rối, Từ Liêm đã gửi công văn yêu cầu tất cả các chủ đầu tư xem bố trí được nguồn vốn đến đâu. Qua đó chủ đầu tư nào bố trí được nguồn vốn thì địa phương mới thực hiện GPMB phục vụ dự án. Nhưng đến thời điểm này cũng chỉ có hơn nửa trong tổng số 128 dự án có phản hồi với huyện sẽ bố trí được vốn.
Hay đối với các dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, theo lãnh đạo huyện này, nguyên nhân bị chững lại do các dự án đô thị đang được xem xét điều chỉnh quy hoạch. Ngoài khó khăn về mặt kinh phí, huyện Mê Linh cũng phản ánh khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải quyết đất dịch vụ cho người dân, vì không có hồ sơ gốc nên rất khó xác định.
Một dự án trọng điểm khác nằm trên địa bàn quận Tây Hồ cũng đang thu hút sự chú ý là công trình cầu Nhật Tân, hiện vẫn còn 97 hộ dân không hợp tác. Trước đó quận Tây Hồ đã phải áp dụng biện pháp hành chính đối với 3 hộ dân. Theo kế hoạch những hộ dân còn lại sẽ được áp dụng phương án bồi thường theo quyết định 02 của thành phố.
Trước hàng loạt những vướng mắc đang phải đối mặt, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Mười kiến nghị thành phố giao Ban chỉ đạo GPMB tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc GPMB đất dịch vụ. Đồng thời cũng đề nghị các sở Kế hoạch, Tài chính bố trí đủ nguồn vốn phục vụ công tác GPMB trong thời gian tới.