Hà Nội: Mỹ Đức bám sát mục tiêu trở thành trung tâm phía Tây Nam Thành phố
Sáng 26/7, Đảng bộ huyện Mỹ Đức tổ chức Đại hội khóa XXIII (nhiệm kỳ 2015-2020). Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt và 235 đại biểu chính thức đã tham dự đại hội.
Trong nhiệm kỳ qua, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII đã đề ra.
Từ những kết quả trong phát triển kinh tế đã góp phần tạo bước chuyển biến rõ nét về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện gắn với việc xây dựng nông thôn mới, phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Giáo dục - đào tạo có bước phát triển mạnh, toàn diện về quy mô và chất lượng; toàn huyện đã có 29 trường đạt chuẩn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp quy mô, phương thức sản xuất, tiêu thụ còn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, hiệu quả thấp, ột số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; thu nhập của nhân dân vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của thành phố là những hạn chế trong nhiệm kỳ qua của huyện Mỹ Đức.
Đồng chíPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo đại hội Nguồn: hanoi.gov.vn |
Phát biểu tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương, ghi nhận thành tích của Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí yêu cầu, trong nhiệm kỳ mới, huyện cần chú trọng phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững. Với tiềm năng, thế mạnh đặc thù của một trung tâm có lợi thế phát triển du lịch, lễ hội, tâm linh, du lịch sinh thái vùng Hương Sơn; lợi thế “cửa ngõ” gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh. Huyện Mỹ Đức phải khẳng định và bám sát mục tiêu trở thành trung tâm du lịch- dịch vụ thương mại phía Tây Nam Thành phố gắn với cảnh quan, môi trường sinh thái.
Trong phát triển nông nghiệp, huyện cần phát triển theo hướng hàng hóa, mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, với khâu đột phá là: “Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả, phát triển chăn nuôi chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kinh tế nông nghiệp”. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng phải chủ động vào cuộc trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, có định hướng chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.