Hà Nội: Dừng cắt tỉa hoa cỏ, tiết kiệm 700 tỷ đồng mỗi năm
Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vào sáng 15/8.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua Thành phố đã khảo sát, kiểm tra lại nguồn đất để tìm nguyên nhân tại sao trồng một số cây trong đó có một số cây sấu, xà cừ rất to mà vẫn đổ… TP cũng đang nghiên cứu trong khu vực phố cổ trồng cây gì cho phù hợp.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, toàn bộ không gian phố cổ sẽ được trồng cây vào tháng 8 âm lịch. Hiện nay TP đã chuẩn bị đủ gần 6.000 cây xanh để trồng.
“Có một vấn đề, đó là khi trồng cây ở một số tuyến phố đã xảy ra tình trạng, có gia đình phản ứng “tại sao trồng cây trước cửa nhà mình”. Việc trồng cây cần đảm bảo nghiêm túc, trồng đúng khoảng cách, đương nhiên có thể sẽ vào giữa nhà ai đó. Nhưng vỉa hè của Thành phố vì thế rất mong muốn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và các bác, các anh chị ủng hộ” - ông Nguyễn Đức Chung đề nghị.
Chia sẻ về cách thức trồng cây, ông Chung cho biết, tại khu vực phố cổ sẽ trồng những cây đảm bảo đường kính bằng 80% so với cây ở xung quanh (ví dụ cây ở xung quanh đường kính 1m thì sẽ trồng cây mới ít nhất có đường kính 65- 80cm).
“Trong tháng 8 sẽ trồng xong trong khu vực phố cổ. Ngay chiều qua tôi đã cùng Sở Xây dựng đã khảo sát những khu vực cây đổ dọc phố Hàng Bông, Hàng Gai để đưa ra hướng trồng những cây phù hợp. Mong các bác các anh chị ủng hộ chương trình này” – người đứng đầu TP một lần nữa đề nghị.
Yêu cầu dừng cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ
Nói về việc trồng cây xanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, trong 3 năm qua chúng ta đã tiến hành xã hội hóa nhưng bản chất của xã hội hóa không phải tiền của tư nhân mà tiền của ngân sách thành phố đặt hàng các công ty. Tuy nhiên, nhiều công ty lao vào làm nên không kiểm soát được, vì vậy mới có tình trạng cây bật gốc.
“Cách làm tới đây là chúng ta phải có đầu mối để kiểm soát chất lượng. Và một trong các tiêu chí để tham gia vào hiệp hội cây xanh thế giới thì các nước chỉ có một công ty công viên cây xanh. Singapore chỉ có 1 công ty, TP Côn Minh (Trung Quốc) cũng vậy, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lớn bằng cả Việt Nam nhưng cũng chỉ có 1 công ty. Tất cả Thủ đô các nước trên thế giới cũng chỉ có 1 công ty để người ta kiểm soát được chất lượng, kiểm soát được quy hoạch, kiểm soát liên quan đến trồng cây. Và chỉ có kiểm soát và trồng mới, trồng nhiều chúng ta mới giảm giá thành đưa công nghệ vào được, còn chúng ta làm lắt nhắt nên không thể đưa công nghệ vào được, cũng không thể quản lý cây được” – ông Chung nói.
Theo ông Chung, TP đã quyết định dừng toàn bộ việc cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ tại các vườn hoa, chỉ để lại một số trung tâm như xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Việc dừng cắt tỉa này mỗi năm tiết kiệm được 700 tỷ, vì từ đầu năm đến nay công ty công viên cây xanh và một số các công ty trồng miệt mài vẫn chưa hết 40 tỷ đồng. Mà trồng cây tồn tại được hàng trăm năm, trong khi cắt cỏ rất lãng phí. Các nước người ta không làm thế, người ta trồng cây tự nhiên tạo cành chứ không cắt quá tốn kém như mình. TP đã nhận thức được việc này nên yêu cầu toàn bộ các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7.
“Nói ra mọi người sẽ giật mình, có 24km đường Đại lộ Thăng Long nhưng một năm chi phí cắt cỏ lên tới 53 tỷ. Tôi đi khảo sát trực tiếp thấy chỉ cắt 3 thứ: cắt cỏ, một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt. Một năm 53 tỷ là không thể chấp nhận được. Chúng tôi yêu cầu dừng toàn bộ” – ông Chung nói.
Theo đó, ông Chung cho biết: “Tới đây, TP sẽ trồng toàn bộ Đại lộ Thăng Long như rừng, bước đầu quyết định trồng 20.000 cây cọ dầu theo 4 luống tạo ra cảnh quan rừng cây. Các chuyên gia có khuyên Hà Nội nên kéo rừng Ba Vì xuống sát Trung tâm Hội nghị quốc gia”.