Hà Nội dự kiến chi 150 tỷ cho dự án lấy nước sông Hồng làm sạch hồ Tây, sông Tô Lịch
Ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội tại buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Hà Nội chiều 13/8 |
Trả lời báo chí về hiệu quả của chế phẩm Redoxy-3C mà Hà Nội đã sử dụng dùng làm sạch ao, hồ trên địa bàn Thành phố và công nghệ Nano – Bioreactor do tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản thực hiện thí điểm trên sông Tô Lịch, ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, cho biết:
Với chế phẩm Redoxy-3C RED, hiệu quả đã được công bố từ khi thí điểm đến khi triển khai, các chỉ tiêu đều đạt chất lượng tốt.
Đối với công nghệ Nano – Bioreactor, ông Hùng cho biết phía Nhật đang thử nghiệm và theo như Công ty JVE nói thì khoảng ngày 17/9 đơn vị này sẽ công bố chất lượng, tuy nhiên chưa công bố giá thành.
“Tôi được biết quan điểm của TP Hà Nội là hết sức trân trọng các ý tưởng thử nghiệm, tổ chức triển khai thí điểm. Từ 2018- 2019, TP đã giao Công ty tiếp 5 đoàn có đề xuất, nghiên cứu, đánh giá, thí điểm ô nhiễm trên sông hồ và TP đã tạo điều kiện tối đa, tuy nhiên các kết quả chưa đạt yêu cầu.
Do vậy việc so sánh, đánh giá phải đợi kết quả. Tất nhiên, công nghệ nào tốt, rẻ thì TP lựa chọn. Chúng tôi chỉ là đơn vị thực hiện, tuy nhiên quan điểm của lãnh đạo TP cứ đơn vị nào, nhà khoa học nào có phương án chất lượng mà giá rẻ thì lựa chọn. Việc đánh giá so sánh và lựa chọn sẽ phải chậm lại sau khi có kết quả”. Ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, Thành phố cũng rất quan tâm đến việc cải thiện nước sông Tô Lịch, đó là dự án tách nước thải hiện đang triển khai. Khoảng 4 năm nữa sẽ thực hiện xong dự án tách nước thải, xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá. Ngoài ra, Thành phố cũng có những biện pháp trước mắt để cải thiện nước sông Tô Lịch.
“Công ty đã tổ chức các hội thảo và các chuyên gia đầu ngành đều đánh giá cao, vì để cải tạo bền vững sông Tô Lịch, sông Nhuệ thì cần có sự trao đổi nước (hồ thì phải có nước ra nước vào, sông thì phải tạo dòng chảy). Mà nguồn cung cấp nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch thì nguồn dồi dào nhất, dễ xử lý nhất là sông Hồng.
Kể cả sau khi dự án tách nước thải Yên Xá bổ cập lại nước sau xử lý chỉ tạo được dòng chảy mực nước 30-40cm, do đó việc bổ cập nước từ hồ Tây là hiệu quả nhất, vừa cải tạo được hồ Tây và sông Tô Lịch.
Dự án đang giao cho các sở thẩm tra, nếu phương án được thống nhất, Thành phố sẽ phê duyệt”, ông Hùng khẳng định.
Hiện dự án đang được các đơn vị chức năng khái toán, và theo ông Hùng, dự toán tổng chi cho dự án khoảng 150 tỷ đồng.
Liên quan đến việc thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C, lãnh đạo Sở Xây dựng và Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, hiện vẫn đang chờ kết luận của Thanh tra Thành phố về việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C.
“Thời điểm thanh tra đã quá ngày, tôi được biết gia hạn thêm, khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí sau”, ông Võ Tiến Hùng (GĐ Cty thoát nước Hà Nội) nói.
Trước đó vào chiều ngày 8/8, chuyên gia Nhật Bản, Tiến sĩ Kubo Jun đã bay về nước ngay trong đêm sau khi tắm ở khu vực trình diễn xử lý nước sông Tô Lịch.
Ông cũng hẹn ngày quay trở lại Việt Nam để lấy mẫu nước, kiểm nghiệm các chỉ số về chất lượng nước sông Tô Lịch trên cả đoạn 300m thí điểm.
Dự án được triển khai từ trung tuần tháng 4. Đến ngày 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch khiến nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân “cuốn trôi” kết quả thử nghiệm. Điều này khiến dự án phải kéo dài thêm thời gian thực hiện thí điểm.
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Kubo Jun cho rằng, đó là việc hoàn toàn khách quan, là công việc thoát lũ mùa mưa để đảm bảo an toàn cho người dân theo đúng chủ trương và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Với kinh nghiệm hàng chục năm xử lý ô nhiễm các dòng sông, hồ nước tại Nhật Bản và trên thế giới, chuyên gia tin tưởng dự án tại sông Tô Lịch sẽ thành công. Dự kiến đến ngày 17/9, JVE sẽ lấy mẫu nước sông Tô Lịch đánh giá toàn bộ dự án thí điểm để báo cáo lên Thủ tướng, Bộ TN&MT và TP Hà Nội.