Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%
Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệpkhu vực thành thị xuống dưới 4%. (Ảnh minh họa) |
Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu tổng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; Thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; Làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị và xây dựng nông thôn mới; Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xâ hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế;Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lăng phí; phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng GRDP đạt 8,5%-9,0%; GRDP bình quân đầu người 86-88 triệu đồng; Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 11%-12%; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 4%-5%; Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm 24; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82,8%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước 0,6%; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo 59,5%...
Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng;Tạo chuyển biến rõ nét trong tô chức thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; Tăng cường xúc tiến đầu tư, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...
Đồng thời, trong năm 2017 Hà Nội tiếp tục thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện hiệu quả việc trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương góp phần ổn định thị trường.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh kêu gọi đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực cơ điện tử, chế tạo máy, phương tiện vận tải.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tăng thêm 22 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao Hà Nội tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường quản lý các lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao; đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ tập luyện của vận động viên.
Đổi mới căn bản công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Hình thành đội ngũ giáo viên làm nòng cốt dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng nước ngoài trong các trường chất lượng cao và trường THPT chuyên.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề cơ điện tử cấp độ quốc tế, công nghệ ô tô cấp độ ASEAN. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề.