Hà Nội: Đan Phượng chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới
Theo bBáo cáo chính trị tại đại hội, nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế của huyện Đan Phượng tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ nhịp độ tăng trưởng khá với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,26%; đáng ghi nhận, công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với cách làm sáng tạo được nhân dân đồng thuận, tham gia đạt kết quả tốt, lòng tin của nhân dân với Đảng được củng cố và tăng cường (hiện đang trình Chính phủ phê duyệt là huyện nông thôn mới); văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên;…
Quang cảnh Đại hội Đảng huyện Đan Phượng |
Cụ thể, trong quá trình xây dựng nông thôn mới huyện Đan Phượng đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân của Thành ủy Hà Nội để ban hành chính sách hỗ trợ vật liệu xây dựng; chủ động ứng trước vật liệu để nhân dân làm đường giao thông, tạo động lực thúc đẩy xã hội hóa xây dựng đường làng, ngõ xóm, đường giao thông nội đồng. Chủ động phê duyệt các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ ngân sách huyện xây dựng hạ tầng vùng dự án. Cùng với đó, các địa phương đã phát huy dân chủ, thực hiện các dự án công khai, minh bạch cho nên đã khuyến khích, huy động được người dân và doanh nghiệp đóng góp công sức, tiền của, hiến đất làm đường, tạo ra phong trào rộng lớn và hiệu quả thiết thực. Trong tổng số hơn 2.150 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra người dân còn đóng góp hơn 410 nghìn ngày công, hiến hơn 2.500 m2 đất và tự tổ chức thi công, đóng góp thêm một số nguyên vật liệu phụ như gạch, cát đen, sắt đổ tấm đan… để làm đường giao thông. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn đã có 22 km đường trục thôn, có cống tiêu thoát nước, gần 140 km đường ngõ, xóm, hơn 80 km đường giao thông nội đồng được đầu tư cải tạo, xây dựng, tạo nên diện mạo nông thôn mới, khang trang, sạch đẹp. Đến nay, Đan Phượng đã có 13 xã trên tổng số 15 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hai xã còn lại là xã Thọ Xuân và xã Hồng Hà đạt từ 14 đến 15 tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay.
Trong nhiệm kỳ tới, để giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trong thời gian tới, Đan Phượng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển diện tích các loại rau, hoa, quả trái vụ được thị trường ưa chuộng. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có điều kiện tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư giao thông nội đồng, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển trang trại, làng nghề. Gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản để nâng cao đời sống người dân…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại đại hội |
Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng ngày 30/7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời, cơ bản nhất trí với những mục tiêu, khâu đột phá và những chỉ tiêu chủ yếu mà đại hội đề ra…
Theo Phó Bí thư Thành ủy, quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, huyện Đan Phượng được xác định, phần phía đông vành đai 4 là khu đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục của phân khu đô thị S1; phần phía tây vành đai 4 nằm trong khu vực vành đai xanh… Đây là những định hướng và điều kiện rất thuận lợi để Đan Phượng phát triển nhanh và bền vững theo cơ cấu đã lựa chọn trong nhiệm kỳ 2015-2020. Huyện cũng cần xác định rõ những khó khăn về sự cạnh tranh gay gắt về sản phẩm nông nghiệp và tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng có giá trị cao; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giá trị của những sản phẩm hàng hóa có giá trị canh tranh cao…