Hà Nội chi gần 2.200 tỷ đồng có xóa được nạn ùn tắc?
Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong khu vực nội đô (từ vành đai 3 trở vào) và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra, vào nội đô; các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3; các khu vực đầu mối giao thông (các cửa ngõ giao thông, các bến xe).
Cảnh ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường ở Hà Nội. |
“Giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5-10% hàng năm trên cả ba tiêu chí (số người chết, người bị thương và số vụ)”, Nghị quyết nêu rõ.
Theo quyết nghị về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020, để xóa 40 điểm ùn tắc giao thông, trong các năm tới, Hà Nội dự kiến sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 56 nút đèn tín hiệu. Lắp đặt cầu thép lắp ghép trên sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…, dự kiến sẽ lắp đặt 10 dàn Benley; lắp đặt 10 cầu vượt cho người đi bộ… để giảm tải cho các điểm ùn tắc.
Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến sẽ đầu tư xây dựng các công trình: Xây dựng cầu Mọc; Cải tạo, mở rộng cầu Trung tự kết hợp chỉnh trang tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Trung tự đến nút giao Lương Đình Của); Cải tạo nút giao thông Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch; Dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực nút giao thông đầu cầu phía Bắc cầu Chương Dương; Xây dựng cầu Bắc Linh Đàm; Dự án xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang Chương Dương Độ; Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ; Xây dựng cầu đi bộ kết hợp cho xe thô sơ và xe máy qua đường Bắc Thăng Long – Nội Bài tại đoạn giao cắt Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza sang khu công nghiệp Quang Minh I; Cải tạo; mở rộng tuyến đường dọc đê Long Biên – Bác Cổ - Cầu Vĩnh Tuy…để chống ùn tắc giao thông.
Ngoài các dự án đầu tư, cải tạo hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện hành khách công cộng cho người dân; tổ chức quản lý và điều hành giao thông ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng; lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tiếp tục thực hiện các dự án có vai trò giảm ùn tắc giao thông, tai nạn chưa được bố trí vốn…