Hà Nội cần thông qua nhiều chính sách “kết hôn” giữa DN trong và ngoài nước
Đây là ý kiến của đại biểu (ĐB) Phạm Đình Đoàn (Quận Hoàng Mai) khi phát biểu thảo luận tại hội trường về thực hiện nhiệm vụ KT- XH, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm tại Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV vào sáng nay (3/7).
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Quận Hoàng Mai): Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển và thúc đẩy nguồn lực ngoài nước nên chúng ta cần thông qua nhiều chính sách “kết hôn” giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa) |
Yêu cầu dùng “bàn tay sắt”
Theo ĐB Phạm Đình Đoàn, TP cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh chương trình "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Người tiêu dùng Thủ đô có thu nhập khá cao, nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng do chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chưa cao nên nhiều người tiêu dùng quay sang dùng hàng nhập khẩu.
“Tôi yêu cầu dùng “bàn tay sắt” để quản lý các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, dịch vụ kém, coi thường tính mạng của người tiêu dùng; xây dựng định hướng lâu dài các sản phẩm dịch vụ của Thủ đô chất lượng cao như made in Hà Nội hay made for Hà Nội, tận dụng các hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tới Hàn Quốc, Nhật Bản… Tạo ra sự công bằng cho các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực trong dân để tạo ra sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, khởi nghiệp, đẩy nhanh cổ phần hóa nhà nước”, đại biểu Đoàn đề xuất.
ĐB Đoàn cho rằng Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển và thúc đẩy nguồn lực ngoài nước nên chúng ta cần thông qua nhiều chính sách “kết hôn” giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
ĐB này kiến nghị Thành phố nên chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài theo hướng hợp tác với doanh nghiệp trong nước, thông qua chuyển giao công nghệ, không chèn ép các doanh nghiệp trong nước để hai bên cùng thắng theo hướng "một cộng một bằng ba". Về môi trường kinh doanh, đại biểu Đoàn cho rằng, cần tập trung cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, rút ngắn hơn nữa giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.
Cấp thiết hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Phi Thường (quận Thanh Xuân) cho rằng, Hà Nội đã từng bước thay đổi cách nhìn của dư luận về "Hà Nội không vội được đâu"- các đại biểu đều cảm nhận được sự thay đổi, chuyển biến của Thủ đô, một Hà Nội vừa trẻ trung, năng động và hội nhập.
Tuy nhiên, ĐB Thường cho rằng, Thủ đô cũng đang gặp phải rào cản như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị, công nghệ và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một xã hội hoàn toàn mới.
“Câu chuyện bùng nhùng của taxi Uber và Grab thời gian qua thay đổi quan hệ xã hội, thách thức, vượt qua quy chuẩn hiện hành của luật pháp mà chúng ta không thể chối bỏ được. Liệu chúng ta có tụt hậu trong cuộc cách mạng 4.0 hay không? Kéo theo đó là đầy thách thức của một đô thị lớn như an sinh xã hội, việc làm... Cấu trúc đô thị có sự thay đổi. Bộ máy quản lý nhà nước của Hà Nội, một cán bộ đang phục vụ 69 người dân. Chúng ta cần nâng cao công nghệ để thay đổi về quản lý...”, ĐB Nguyễn Phi Thường đặt vấn đề.
Theo ĐB Thường, Thành phố cần định hình khung quy chuẩn của thành phố thông minh, trong đó cần một số thí điểm như an toàn thực phẩm, tài chính, chính quyền công nghệ số, lựa chọn các lĩnh vực như đầu tư, kinh doanh trực tuyến. Thành phố cần xem xét thành lập Ban phát triển cách mạng công nghệ 4.0 của Thủ đô, các vấn đề phát sinh của đô thị hóa để tránh nguy cơ tụt hậu.
Hà Nội cần cải thiện năng lực kiến tạo không chỉ phạm vi các tỉnh thành và còn cả thế giới; đồng thời, cần cấp thiết hạn chế phương tiện giao thông cá nhân do sự phát triển của Thành phố không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân. Ngân sách đầu tư cho giao thông của TP còn khó khăn trong khi tốc độ phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, ùn tắc giao thông thêm trầm trọng và đang "đốt" 12.800 tỷ đồng của Hà Nội.