Hà Nội: Buông lỏng hậu kiểm doanh nghiệp
Hà Nội: Buông lỏng hậu kiểm doanh nghiệp
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn mỗi ngày một tăng, nhưng công tác hậu kiểm, quản lý doanh nghiệp sau khi thành lập lại đang bị buông lỏng.
Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT Hà Nội năm 2011 có khoảng 18.850 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 1%, số vốn đăng ký khoảng 159 nghìn tỷ, tăng 7% so với 2010. Cũng trong năm 2011 Hà Nội có đến 3200 doanh nghiệp đã bị tạm ngừng sản xuất, giải thể và phá sản. Con số này cao hơn khá nhiều so với năm 2010.
Một trong những lý do dẫn đến kết quả trên chính là sự tác động mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó với mức lãi suất quá cao trong thời gian qua đã đẩy doanh nghiệp đến đường cùng, buộc phải tạm ngừng, hoặc giải thể.
Cần tăng cường công tác hậu kiểm doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô. Ảnh minh họa |
Mặc dù tốc độ tăng không bằng năm 2010 và không đạt kết quả đề ra, song năm 2011 tổng số vốn đầu tư phát triển vẫn đạt 193.600 tỷ đồng, tăng 13,5%. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn có sự tăng trưởng, năm 2011 Hà Nội đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 300 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD, tăng 10,6% so với 2010.
Bên cạnh đó lĩnh vực đầu tư trong nước tiếp tục được đẩy mạnh với việc chấp thuận và cấp chứng nhận đầu tư cho 121 dự án với tổng số vốn 55.722 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đăng ký sản xuất mỗi ngày một tăng, nhưng doanh nghiệp xin giải thể, dừng sản xuất cũng nhiều. Nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay vẫn nằm ở công tác hậu kiểm.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội, mặc dù công tác hậu kiểm doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh là việc làm quan trọng, tuy nhiên việc làm này vẫn còn đang bị buông lỏng. Thực tế này xuất phát từ nguyên nhân mỗi năm có gần hai vạn doanh nghiệp ra đời, hơn ba vạn doanh nghiệp điều chỉnh bổ sung, trong khi đó đội ngũ nhân viên của của sở lại chỉ vẻn vẹn 50 người.
Xác định tầm quan trong của công tác hậu kiểm, Bộ KH&ĐT đang xây dựng mô hình hậu kiểm theo nhóm, và theo mẫu.
“Dân cư có công an khu vực quản lý, còn doanh nghiệp lại đang thiếu người giám sát. Để doanh nghiệp phát triển ổn định, phải có sự quản lý sau khi đăng ký kinh doanh, không thể trông chờ vào sự tự nguyện của doanh nghiệp” – đại diện sở KH&ĐT Hà Nội cho biết.
Nguyễn Dũng