Hà Nội: "Bỏ" HĐND cấp phường, UBND phường sẽ là "cánh tay nối dài" của UBND quận?
Đề án thí điểm bỏ HĐND phường, Hà Nối sẽ giảm tới 3.500 cán bộ |
Giảm được từ 2.900 đến 3.500 cán bộ hội đồng nhân dân phường
Theo dự thảo Nghị quyết, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân phường bắt đầu từ ngày 1/6/2021. Tại những nơi thí điểm, ủy ban nhân dân quận, thị xã sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, việc tiếp tục duy trì hội đồng nhân dân ở phường là không còn phù hợp, chỉ nên còn ủy ban nhân dân phường để quản lý hành chính, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền.
Tại phiên thẩm tra, nhiều đại biểu tán thành với việc không tổ chức hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội, tuy nhiên cũng đề nghị làm rõ thêm vai trò, nhiệm vụ của ủy ban nhân dân phường khi thực hiện thí điểm.
Hiện số lượng đại biểu hội đồng nhân dân mỗi phường, xã, thị trấn tại Hà Nội là gần 30 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối. Nếu không còn hội đồng nhân dân cấp phường thì Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 đến 3.500 cán bộ hội đồng nhân dân phường.
Theo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, tổ chức chính quyền thành phố gồm HĐND và UBND thành phố, về cơ bản giữ nguyên như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã cũng cơ bản giữ nguyên, gồm có HĐND và UBND. Riêng về tổ chức chính quyền xã, phường, thị trấn, theo đề án, tại phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND phường, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế Ủy ban hành chính (UBHC).
Theo đề án, các phường là đơn vị hành chính trong nội bộ đô thị, không phải là một đơn vị hành chính có tính độc lập về kinh tế - xã hội riêng biệt. Trong thực tế, HĐND phường hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, không quyết định được những vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, cũng như hoạt động giám sát còn hình thức.
Mặt khác việc tồn tại HĐND phường làm gián đoạn, cắt khúc các hoạt động quản lý, điều hành hành chính nhà nước, vốn đòi hỏi phải rất nhanh nhạy, thống nhất và thống suốt trên địa bàn đô thị. Do vậy, tại phường không cần tổ chức một cấp chính quyền, mà tổ chức một cấp hành chính là phù hợp. Cơ quan hành chính phường được tổ chức theo thiết chế UBHC, có vị trí là một cơ quan hành chính, trực thuộc UBND quận.
Cụ thể, tổ chức UBHC phường gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBHC do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, bãi nhiệm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Tổ chức Đảng tại phường đề xuất việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ để Ban Thường vụ cấp ủy quận, thị xã quyết định trên cơ sở thực hiện các bước quy trình về công tác cán bộ. Chủ tịch UBND các quận, thị xã Sơn Tây bổ nhiệm, bãi nhiệm theo quy định.
Nhiệm vụ chính của UBHC phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp và ủy quyền của UBND quận. Ngoài ra UBHC phường còn phải hướng dẫn và phối hợp với tổ trưởng dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
"Cánh tay nối dài” của UBND cấp quận?
Trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội về nội dung này, ĐB Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường của Hà Nội.
Tuy nhiên đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng còn có một số nội dung mà qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện. Đó là việc tại những phường thực hiện thí điểm, tên gọi ủy ban nhân dân (UBND) phường sẽ không còn phù hợp khi mô hình chính quyền địa phương đã thay đổi.
“Khi bỏ không tổ chức HĐND cấp phường, nên mạnh dạn gọi bộ máy UBND là ủy ban hành chính hay một tên gọi phù hợp khác để thể hiện đúng tính chất, đặc điểm của cơ quan này. Ngoài ra, cần xác định rõ chức danh, địa vị, chức năng của những lãnh đạo quản lý ở ủy ban hành chính cấp phường, nếu không trong quá trình thí điểm sẽ gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) lại cho rằng việc đổi tên của UBND cấp phường là không cần thiết. Bởi theo đại biểu Hiển, khi không còn tổ chức HĐND, đúng với tính chất thì nên gọi là ủy ban hành chính nhưng nếu thay đổi tên gọi sẽ kéo theo nhiều vấn đề, đặc biệt cần xem xét đến hiệu quả kinh tế - xã hội. “Việc thay đổi tên một cơ quan hành chính liên quan nhiều đến giấy tờ của công dân, doanh nghiệp, phát sinh nhiều chi phí không cần thiết. Do đó, tôi đồng tình với nội dung giải trình của Bộ Nội vụ là giữ nguyên tên gọi như hiện tại sẽ hợp lý hơn và không ảnh hưởng nhiều đến khía cạnh khác”, đại biểu Hiển nói.
Đại biểu cho rằng, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường Hà Nội cũng đã thực hiện từ năm 2009- 2015, tuy nhiên sau khi tổng kết đã quay lại mô hình có tổ chức HĐND tại tất cả các đơn vị hành chính (bao gồm cả các huyện, quận, phường trước đây thực hiện thí điểm)
“So với đề án đã thực hiện trước, lần này Hà Nội thực hiện tương đối kỹ, cùng với sự kế thừa những kinh nghiệm từ thí điểm 10 năm trước nên khả năng thành công của thành phố sẽ rất cao, mang lại lợi ích lớn cho công tác quản lý của mô hình mới chính quyền đô thị và giúp việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hợp lý”, đại biểu Hiển nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đề án cần xác định rõ “tính chất UBND phường là một cấp hành chính bên dưới cấp quận hay là “cánh tay nối dài” của UBND cấp quận. Nếu xác định không rõ tính chất thì việc xác định chức năng, nhiệm vụ và mô hình sẽ không phù hợp. Nếu UBND phường là đại diện cho cấp quận tại một địa bàn cụ thể thì chức năng nhiệm vụ sẽ khác, không thể áp dụng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện tại và không giống với nhiệm vụ, chức năng của UBND cấp phường những nơi không thí điểm”.