GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện ĐH Đảng XII
Bất cập nhất là việc quản lý
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu |
Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, dự thảo Văn kiện cũng chỉ ra khá chính xác những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này, như chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất…
“Nhiều người hỏi tôi bất cập nhất của Việt Nam là gì? Tôi cho rằng đó là quản lý. Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ cũng thấy rất rõ. Về mặt cơ cấu tổ chức, có cồng kềnh quá không, từ đó dẫn đến hiệu quả thấp. Năng xuất lao động trong cơ quan quản lý hành chính khá thấp. Phải chỉ ra nguyên nhân thật đúng để tìm cách khắc phục. Có nhiều người cho rằng do thừa người không đáp ứng yêu cầu công việc, chúng ta cứ nói mãi giảm biên chế, tăng lương nhưng nếu bộ may cứ cồng kềnh thế này không thể nào tăng được, ngay trong ngành Giáo dục cũng vậy. Bộ máy thì đông quá, nhưng hiệu quả thì lại thấp thì làm sao có thể tăng được lương cho tất cả mọi người”- GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nói.
Về đầu tư cho khoa học công nghệ, dự thảo Văn kiện có nêu “đầu tư cho KHCN còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao”. Theo Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, hãy tìm nguyên nhân tại sao lại như vậy. “Việc đầu tư chưa đúng chỗ, mà phần lớn là chưa đúng. Khi đầu đúng là phải căn cứ vào khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư, nhất là đối với những thiết bị đắt tiền, xem khả năng, tần xuất sử dụng đến đâu. Việc này phụ thuộc vào tần xuất sử dụng và con người sử dụng. Các nước sử dụng máy móc 24/24h, và hết 5 năm coi như là hết tuổi thọ của máy, nhưng ở nước ta lại khác, càng máy đắt tiền, sử dụng càng ít”.
Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, trong thời gian tới, phải căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn đầu tư và có người chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Người đó chắc chắn phải là Thủ trưởng cao nhất của đơn vị ấy. “Chứ không phải lúc nào cũng đi xin. Khi được đầu tư thì xem như là thành tích. Theo tôi thành tích chẳng phải như vậy mà hiệu quả mới là thành tích chính”.
Cấp trên giao việc, cấp dưới không làm cũng không sao
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cũng trăn trở về vấn đề kỷ cương trong xã hội hiện nay. Theo bà Trân Châu, nhìn đâu cũng thấy thiếu kỷ cương. Trong đời sống xã hội trên nhiều phương diện, nhiều khi việc thiếu kỷ cương đem lại hậu quả rất nghiêm trọng. “Trong lĩnh vực KHCN và giáo dục cũng vậy. Thể hiện rõ nhấp là cấp trên nói cứ nói, nhưng cấp dưới không thực hiện, chẳng ai làm gì cả. Nếu khi cấp trên đã giao việc thì người thực hiện phải khác với người không thực hiện, bấy giờ mới có kết quả. Còn nếu làm tốt hay không làm tốt cũng như nhau thì mãi mãi sẽ là không kỷ cương”.
Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, về giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục phải nâng cao khả năng tự học, không phải chỉ có giáo dục Đại học mà tất cả mọi người, tùy theo nhu cầu mà có phương thức, yêu cầu thích hợp. “Chúng ta đã thành công trong thời kỳ khó khăn nhất và bây giờ có một đội ngũ như vậy. Bây giờ hãy làm việc đó đối với tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ là Đại học”.
Ở nhiều cơ quan Nhà nước, vẫn còn tình trạng chơi game, ngồi tám chuyện trong giờ làm việc (Ảnh minh họa) |
Bà Châu đề nghị cần tái cơ cấu Đại học và các viện nghiên cứu. Trong báo cáo có ghi quy hoạch lại mạng lưới nhưng nếu chỉ nói quy hoạch là chưa bao quát hết. “Trong những năm 1990, rất nhiều nhà khoa học đã đề nghị việc tái cơ cấu này thì mới kết hợp được việc nghiên cứu và giảng dạy, mới khai thác có hiệu quả cao đối ngũ cán bộ làm công tác khoa học. Đại học quốc gia ra đời có vẻ để làm mong muốn đó nhưng lại không được như thế. Không phải vì khai thác không có hiệu quả cao mà nhiều việc lãng phí. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị không tách khối dạy nghề sang Bộ LĐ-TBXH. Bộ này phải là nơi đặt hàng, còn dạy nghề là một nghề, Bộ cần thì phải đặt hàng và ngành Giáo dục phải đáp ứng được yêu cầu. Việc này trong thời gian tới cần xem xét lại”.
Đã đến lúc, đừng sợ người khác giỏi hơn mình
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu hoan nghênh việc xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao tất cả các cấp và trình độ đào tạo. “Tôi coi đây là một nguồn để phát triển bồi dưỡng những nhân tài tiềm năng ở tất cả các cấp. Cũng như hạt giống tốt, nếu được ươm trồng trong môi trường thích hợp sẽ nảy mầm thành cây xanh tốt. Vì thế, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới vì chúng ta đang thiếu người tài, người đầu đàn”.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho biết, bà rất ngạc nhiên trong thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT có chủ trương xóa trường chuyên lớp chọn. Phải có môi trường có cạnh tranh cao, người ta mới cố gắng được nhiều. Nếu một học sinh rất giỏi học trong một lớp bình thường thì không cần học thì em đó cũng đã giỏi và có thể sẽ nảy sinh tâm lý kiêu căng, lười biếng. Không tạo môi trường cạnh tranh cho các nhân tài tiềm năng, thì khó có được những người tài. “Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem lại việc xóa bỏ những lớp chuyên và không sợ chuyện phân biệt. Đã đến lúc ta không nên sợ có người tài. Tôi có cảm giác rằng trong xã hội hiện nay có xu hướng không có người khác giỏi hơn mình. Những người không giỏi sẽ có chính sách khác”.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, trong công tác nhân sự cũng phải lấy tiêu chuẩn yêu cầu công việc là chính, sau đó mới tính đến các tiêu chí khác. Đã hội nhập sâu mà không lấy tiêu chuẩn với công việc làm chính thì không bao giờ đuổi kịp được với thế giới. Vì thế, phải khắc phục ngay hiện tượng cào bằng, nếu không sẽ không thu hút được người tài trong các cơ quan Nhà nước.
“Tôi có được tiếp xúc với nhiều em, kể cả đi học tiến sĩ ở nước ngoài về, các em không “sống” được trong môi trường làm việc trong cơ quan nhà nước. Vì sao? Vì ở nước ngoài môi trường làm việc cạnh tranh công bằng, đánh giá đúng năng lực. Còn ở Việt Nam, nếu làm việc với năng suất cao có thể bị cô lập, từ đó dẫn đến rất nhiều chuyện. Chẳng hạn nếu trong giờ làm việc mọi người tụ tập uống nước hoặc chơi game, nhưng nếu mình không làm theo mà cứ ngồi làm việc thì bị cô lập”- GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu trăn trở.