GS Nguyễn Lân Dũng góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng, GS - TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài. Cụ thể, về vấn đề đào tạo, Nhà nước cần phát huy hơn nữa việc đào tạo các nguồn nhân lực ở các ngành khoa học mũi nhọn mà đất nước đang cần cho sự phát triển.
Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực lấy kết quả xét tuyển vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Đất nước không cần quá nhiều trường đại học mà cần những cơ sở đào tạo chuyên sâu "sản sinh" ra những bộ óc sáng tạo chứ không phải "thư viện." Thực tế cho thấy sự xuất hiện nhân tài của một quốc gia gắn liền với nền giáo dục quốc gia đó.
Giáo dục và đào tạo không chỉ là nơi đào tạo nhân tài mà còn là nơi phát hiện nhân tài cho đất nước, vì vậy phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo chính là con đường tìm ra nhân tài và cung ứng nhân tài, từ đó góp phần hình thành một xã hội tri thức-động lực phát triển của kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, để thu hút trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa để các nhà khoa học, đội ngũ trí thức chất lượng cao yên tâm đóng góp, cống hiến sức mình cho đất nước.
Theo GS - TS Nguyễn Lân Dũng, dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng đã chuyển tải được mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và tầm nhìn chiến lược phát triển. Tuy nhiên, giáo sư góp ý phải chăng vì quá tham về nội dung mà văn phong chưa đạt chuẩn mực, do vậy cần chỉnh sửa cho phù hợp. Đơn cử như ngay ở phần mở đầu giữa hai dấu chấm câu có đến 85 từ, câu tiếp theo đến 72 từ. Câu cuối của phần này tới 101 từ. Câu "nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn..." thậm chí dài đến 201 từ.
Đồng quan điểm trên, GS - TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, cho biết dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ 12 là một văn kiện rất đầy đủ, hoàn chỉnh và rất khoa học về toàn bộ tình hình các vấn đề của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là phần báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cũng như những thành tựu, những vấn đề còn tồn tại cần phấn đấu, phương hướng mà văn kiện đã đề ra giai đoạn 2015 - 2020.
Tuy nhiên, theo GS - TS Vũ Hoan, để văn kiện toàn diện và đầy đủ hơn nữa, trong phần khoa học công nghệ, cần làm rõ thêm nền khoa học công nghệ của Việt Nam phải phấn đấu trở thành một nền khoa học hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Đặc biệt, văn kiện cần đưa được nội dung chú trọng phát triển khoa học cơ bản vì trên nền tảng khoa học cơ bản có phát triển thì các ngành khoa học công nghệ khác mới phát triển được, muốn như vậy phải có sự đầu tư xứng đáng cho khoa học cơ bản cũng như khoa học công nghệ.
Hiện nay, khoa học công nghệ của thế giới đã phát triển như vũ bão nên Việt Nam phải tranh thủ ứng dụng, vận dụng khoa học công nghệ nước ngoài để đi tắt, đón đầu, kết hợp với sáng tạo của trí tuệ Việt Nam, để có nền khoa học công nghệ thực sự là của Việt Nam. Một điểm mấu chốt nữa để phát triển khoa học công nghệ chính là nguồn nhân lực.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho nền hành chính, kinh tế và cho toàn xã hội, Nhà nước cần chú ý, coi trọng và phải có đường lối, chính sách đúng đắn cho giáo dục và đào tạo. Chính nền tảng từ giáo dục, đào tạo có tốt mới đào tạo được con người thực hiện được các nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong năm năm tới.