GPMB sân bay Long Thành: Thiếu 18.000 tỷ thì lấy từ đâu?
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, dự án sân bay Long Thành là một dự án lớn, nên phải tách công tác giải phóng mặt bằng ra thành dự án thành phần mới có khả năng thực hiện dự án.
“Cá nhân tôi, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rất tha thiết thực hiện nhiệm vụ, vừa giảm bớt tính phức tạp trong công tác quản lý đất đai cũng như ổn định xã hội. Rất mong các đồng chí nghiên cứu, đồng thuận thông qua phương án này, sẽ rất là thuận lợi cho thời gian tới,” Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thuyết phục các đại biểu.
Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức, bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp. Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng, tính theo đơn giá năm 2017.
Đại biểu Phạm Đình Toản, đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đồng tình Quốc hội thông qua nhưng trước khi thông qua, Chính phủ phải giải trình rất rõ phương án về vốn để tránh việc đổ vỡ về nợ công.
Các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án sân bay Long Thành. |
ĐB Vũ Thị Lưu Mai, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, bày tỏ một số điểm còn băn khoăn: “Chính phủ trình phương án khiến tôi có cảm giác đột xuất phát sinh. Khi xây dựng dự án, cơ quan nào cũng phải hình dung ra được lộ trình, cách thức thực hiện, kéo dài trong thời gian bao lâu…Khi chúng ta đã thông qua chủ trương đã nhiều năm giờ mới tách ra như việc đột xuất thì cần rút kinh nghiệm”.
“Dự án chỉ có thể thực hiện khi có phương án tài chính khả thi hợp lý. Chúng ta mới có 5.000 tỷ đồng, nhưng trong tờ trình cần 23.000 tỷ, vậy 18.000 tỷ đồng chúng ta lấy từ đâu? Có thể chúng ta thu đất rồi nhưng không có phương án đền bù thì đời sống người dân sẽ ra sao, không thể làm đến đâu hay đến đó. Bài học là nhà máy điện Ninh Thuận, đã triển khai, GPMB rồi nhưng lại phải dừng lại,”.
Với 5.000 tỷ đồng bố trí cho tái định cư, hiện còn thiếu 18.000 tỷ đồng, vấn đề đặt ra hiện nay là có thể vay ODA được hay không. Bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng nếu bổ sung thêm thì không tuân thủ dự toán thông qua.
“Hiện ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, chỉ còn duy nhất nguồn dự phòng về nguyên tắc chỉ sử dụng đối với khó khăn phát sinh đột xuất. Dự án này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính,” bà Vũ Thị Lưu Mai nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn TP Hà Nội, cho rằng các dự án trọng điểm quốc gia nên tách phần GPMB ra vì thực tế phần lớn các dự án này đều bị chậm tiến độ do GPMB. Việc tách ra là hợp lý, hợp tình, giúp dự án được triển khai khoa học hơn. Theo ông Bình, cần quan tâm đến công tác tái định cư, phải xây dựng quy hoạch 1:500 trước mới ra được dự án GPMB.
Một đại biểu khác của đoàn Hà Nội là ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng việc tách dự án tác động lớn đền cuộc sống của người dân, cần xem xét kỹ khi thu hồi đất, tránh tình trạng thu hồi chỗ không cần thiết, còn chỗ cần thiết lại không thu hồi.
“Nếu phát triển sân bay, quy hoạch tốt công trình phụ trợ đi kèm thì những công trình phụ trợ đó sẽ tạo ra nguồn thu lớn phục vụ cho việc GPMB. Do vậy, nên lập quy hoạch vùng phát triển quy hoạch sân bay Long Thành”.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Đồng Nai đã báo cáo việc GPMB diễn ra thuận lợi, nhưng không nên chủ quan bởi việc diễn ra khiếu kiện thường bắt đầu từ khi thu hồi đất và phát tiền đền bù, hoặc trả chậm.