Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Phải đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết
Đề nghị cần có Luật Đảng lãnh đạo
Tại hội nghị góp ý, xoay quanh Điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Góp ý xung quanh vấn đề Đảng lãnh đạo, ông Hoàng Thái- nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị sửa lại theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp 1992. |
Ông góp ý: Trong Điều 2 điểm 4 đề nghị nội dung Đảng lãnh đạo phải nhấn mạnh Đảng không đứng trên nhân dân, nói như vậy là “trịch thượng”, cần phải thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh “Đảng lãnh đạo đứng trong nhân dân là đầy tớ của nhân dân”. Di chúc Bác Hồ khi mất cũng nói vậy, sao giờ lại nói tránh là “Đảng phục vụ nhân dân”.
“Đảng là đầy tớ trung thành của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Riêng Đảng là nòng cốt trong hệ thống chính trị mà lại không có luật nên đề nghị cần phải có Luật Đảng lãnh đạo để công khai, minh bạch”- ông Hoàng Thái kiến nghị.
Qua gần 70 năm với 4 bản Hiếp pháp từ 1946 đến nay thì đều nói lực lượng vũ trang trung thành tuyệt đối với Tổ quốc với nhân dân. Nay lại ghi lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Đảng sau đó mới đến Tổ quốc, nhân dân. “Tại sao lại đặt Đảng lên trên Tổ quốc. Bác Hồ nói rằng ở bất kỳ đâu cũng phải đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết” - ông Thái nói.
Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch góp ý: Phải bổ sung và nhấn mạnh đến việc Đảng hoạt động theo pháp luật để thực hiện nghiêm khắc. Còn ông Nguyễn Khánh - Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ đề nghị thêm một câu vào Điều 4 là “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Nhân dân thực hiện sự giám sát của mình theo luật về giám sát và phản biện xã hội”.
Đảm bảo chứ không phải cho
Tại hội nghị, không ít ý kiến đã góp ý về quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện của nhân dân; về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam; về Hội đồng Hiến pháp… Ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, Hiến pháp lần này có những thành công và vai trò của nhân dân được khẳng định rõ ràng hơn. Tuy nhiên cũng phải nói đến ngoại giao nhân dân và nhiệm vụ này được thể hiện rõ nét trong cuộc kháng chiến.
“Hiện nay, vấn đề Biển Đông cũng vậy, chúng ta phải dùng ngoại giao, vận dụng lịch sử, vận dụng công tác đối ngoại nhân dân để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, bảo vệ lợi ích của dân tộc, quốc gia, dân tộc” - ông Cầm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch góp ý rằng: Dường như chúng ta đang quên vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị. Cần khẳng định MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị. Mặt trận chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Góp ý vào Điều 26 của dự thảo, ông Lê Truyền cho rằng: Cần quan tâm đến kỹ thuật lập hiến trong câu chữ: “Điều 26 viết là “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, nhưng ngay sau đó có dấu phẩy rồi mới tiếp tục “được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Như vậy, hiểu nghĩa “được” ở đây như thế nào? Tự nhiên giữa các quyền lại có dấu phẩy, rồi lại thêm chữ “được”. Như vậy là cho người dân rồi chứ không phải là đảm bảo quyền người dân như Hiến pháp nói. Do đó, cần có kỹ thuật viết như thế nào để người ta hiểu được đúng nghĩa của pháp luật.