Góp ý Bộ luật Dân sự: Đề nghị trả nhuận bút cho bài viết hay
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự sửa đổi trong vòng 3 tháng. |
Sáng 23/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Trong thời gian 3 tháng tới đây, đơn vị chủ trì – Bộ Tư pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiều bào nước ngoài đóng góp cho Bộ luật Dân sự sửa đổi. Mục đích của việc lấy ý kiến lần này nhằm “phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân".
Về đối tượng, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có kênh riêng để tiếp nhận các góp ý từ người Việt Nam ở nước ngoài và giới Luật sư. Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, luật sư là người đại diện cho cả hai bên nên cần phải lấy ý kiến cho dự thảo luật này. Với người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị giao đầu mối tiếp nhận cho Ủy ban quản lý người Việt Nam ở nước ngoài.
Do việc triển khai rơi vào cuối năm nên một số đại biểu còn băn khoăn. Cụ thể, thời gian lấy ý kiến hơn 2 tháng, từ 15/1-31/3/2015 sẽ trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nên khó mang lại hiệu quả. Đại biểu đề nghị thời gian lấy ý kiến kéo dài khoảng 3 tháng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng, trọng tâm Bộ luật Dân dự dày và nhiều. Vấn đề quan trọng là phải xác định trọng tâm làm sao cho gần gũi với nhân dân, sát với nhân dân.
Để việc lấy ý kiến thêm hiệu quả, bà Minh đề nghị áp dụng cơ chế trả nhuận bút cho nhân dân với những bài viết tâm huyết đóng góp cho dự thảo. Bà Minh cho rằng, để có bài viết sâu, thể hiện tâm huyết của người dân thì phải nên bố trí kinh phí đầu tư như vậy.
Trước những đóng góp của đại biểu, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, về đầu mối dự thảo được xác định gọn, giao Chính phủ làm cơ quan chủ trì lấy ý kiến. Mặt trận Tổ quốc là kênh riêng, nhưng cuối cùng cũng thu về một đầu mối Chính phủ. Việc lấy ý kiến cũng không đưa ra kênh riêng với Hội Luật gia, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, hay người Việt Nam ở nước ngoài.
Về thời gian, Bộ trưởng Cường cho biết sẽ cố gắng thực hiện trong vòng 3 tháng như đề xuất để đảm bảo việc lấy ý kiến thực sự hiệu quả. Riêng cơ chế trả nhận bút cho các bài viết hay không sẽ được ban soạn thảo nhắc đến sau khi kết thúc phiên họp.