Giới trẻ mượn đồ "câu like" trên mạng, từ sống ảo thành mất thật
Thời đại công nghệ 4.0 khiến cho mạng xã hội phát triển không ngừng.
Hai trong số những bức ảnh "sống ảo" của Võ Thị Thu Tr. từng bị chỉ trích phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi (ảnh facebook nhân vật)
Ngoài giúp con người ngày càng gần nhau hơn, tăng tính tương tác, giao lưu, kết nối bạn bè qua các bức ảnh kỷ niệm, những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời thì không ít người, nhất là giới trẻ đã lạm dụng mạng xã hội như một công cụ để “sống ảo”, khoe mẽ. Và đằng sau mỗi bức ảnh "sống ảo" đó là những câu chuyện dở khóc dở cười.
Mượn đồ "câu like”
Lướt qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram… nhiều người đều trầm trồ về những bức ảnh được chia sẻ bởi tất cả được đặt trong khung cảnh choáng ngợp, đẹp lung linh. Nhiều chủ tài khoản còn thường xuyên đăng những bức ảnh dự tiệc xa xỉ, những món đồ giá trị hay bên chiếc xe đắt tiền… Nhưng bao nhiêu người, bao nhiêu hình ảnh và sự việc đó là thật?
Anh Trương Đức Tiến ở thị trấn Ninh Giang (Hải Dương) cho hay, anh có một người bạn vốn chỉ là nhân viên chạy bàn cho một quán ăn bình dân nhưng hễ có thời gian rảnh là anh này lại tự chụp ảnh cá nhân rồi dùng phần mềm chỉnh sửa, cắt ghép để có những bức ảnh long lanh như đang ở trời Tây, hay những cảnh đẹp đâu đó mà anh muốn.
Gần đây nhất trên tường Facebook của anh có đăng một bức ảnh anh ngồi trên một chiếc xe máy SH. Bức ảnh đăng lên nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng cũng không ít người ngao ngán về độ “sống ảo” quá cao của anh này. Bởi thực chất đây chỉ là xe đi mượn để anh chàng “câu like”.
Tuy nhiên, câu chuyện “sống ảo” mà anh Tiến chia sẻ xem ra vẫn chưa là gì với chuyện của con trai chị Trần Thị K. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả, bản thân không có việc làm ổn định nhưng con trai chị K. lại lập gia đình sớm và sống dựa vào bố mẹ đẻ. Đầu năm vừa qua, cháu nội chị tròn 1 tuổi, vì thích khoe mẽ với bạn bè, con trai chị đã đi vay lãi ngày 10 triệu đồng để tổ chức bữa tiệc sinh nhật hoành tráng cho con trai mình và… để chụp hình đăng Facebook.
Không chỉ “sống ảo” bằng những bức ảnh chỉnh sửa, cắt cúp tỉ mỉ, mượn đồ... không ít người trẻ còn tự lấy những bức ảnh quà tặng, bữa ăn trên mạng rồi chỉnh sửa, đăng trạng thái như thể đó là ảnh của bản thân. Thậm chí có người còn chạy theo trào lưu yêu ảo, tự lập Facebook mượn ảnh người khác. Mỗi khi đăng ảnh, hay trạng thái lại gắn thẻ "người đó" vào để khoe mình có người yêu, thường xuyên tặng quà, tặng hoa, đưa đi ăn, đi chơi... nhưng thực chất ngoài đời thì chưa có ai yêu.
“Sống ảo”, mất thật
Việc thích “sống ảo” trên mạng xã hội tưởng như vô hại nhưng đôi khi đem lại những chuyện dở khóc dở cười cho chính người trong cuộc, thậm chí mất đi cả những cơ hội tìm bạn thật sự của nhiều người.
Đầu năm 2018, cư dân mạng từng xôn xao với hàng loạt bức ảnh "sống ảo" khoe ngực phản cảm của nữ sinh Võ Thị Thu Tr. (sinh năm 2000, ở TP Hải Dương).
Trên trang Facebook cá nhân, Thu Tr. không ngại ngần khoe những bức ảnh "mát mẻ", nhiều bộ ảnh mặc áo yếm để lộ vòng 1 quá cỡ bên hồ sen hay chụp bên "ghế tình yêu". Tuy nhiên, đáp lại những bức ảnh đó là những lời bình luận, nhận xét châm biếm, trêu chọc, nhiều người thẳng thắn bày tỏ ở lứa tuổi học sinh, Thu Tr. nên tập trung vào học tập, hoàn thiện bản thân thay vì thường xuyên lên mạng xã hội khoe ảnh, livestream...
Trước những chỉ trích của cư dân mạng, Thu Tr. phải lên tiếng giải thích: "Mình không muốn nhắc tới những bộ ảnh đó nữa. Khi chụp ảnh, mình nghĩ đơn giản là lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp của tuổi thanh xuân và giữ cho riêng mình. Hy vọng chuyện này sẽ qua đi nhanh chóng".
Trong khi bạn bè cùng trang lứa ai nấy đều đã có gia đình hoặc bạn trai thì chị Nguyễn Thị Thu P., phố Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) vẫn đơn bóng một mình. Vốn là người thích "sống ảo", không chấp nhận sự thật đó, chị P. thường xuyên lên mạng khoe những bức ảnh chụp chung với người khác. Khi thì nắm tay, lúc lại hai bàn tay đan vào nhau cùng một người đàn ông với những dòng chú thích đầy lãng mạn… Thực chất hầu hết các bức ảnh đó đều do chị lấy từ trên mạng hoặc ảnh ghép.
Chị Nguyễn Lệ Hằng, bạn chị P. cho biết: “Mỗi lần tôi định giới thiệu ai đó cho P. thì họ đều nói Facebook của P. tràn ngập ảnh đôi với bạn trai nên không dám làm quen, tìm hiểu. Tôi có nói với P. gỡ những bức ảnh đó xuống để tránh hiểu lầm cho người khác thì cô ấy nói: Con gái phải tỏ ra có nhiều người thích, nhiều người theo đuổi mới có giá”!
Vì thích khoe mẽ, thích "sống ảo” trên mạng xã hội, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Hoài N., sinh viên Trường Đại học Hải Dương thường xuyên cập nhật 2 - 3 dòng trạng thái với một loạt những bức ảnh khoe đi mua sắm, đi ăn, đi chơi. Việc “sống ảo” có phần hơi lố so với đời thực bên ngoài khiến không ít bạn bè của chị phải hủy kết bạn trên Facebook hoặc bỏ theo dõi…
Theo giảng viên tâm lý Đồng Thị Yến (Trường Cao đẳng Hải Dương), hiện tượng “sống ảo” đang trở thành trào lưu của giới trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Thực tế, việc nghiện “sống ảo” và lệ thuộc quá nhiều vào những chiếc điện thoại thông minh đang lấy đi của người trẻ quá nhiều, không chỉ là thời gian, sức khỏe… mà còn khiến nhiều người có cái nhìn và lối sống lệch lạc. Họ xa dần thực tế, thích trưng ra những gì không thuộc về mình, không sống thật với bản thân, đăng tải những gì mình không có hay nhiều hình ảnh không còn là chính mình (chỉnh sửa, photoshop quá đà)…
"Hãy bỏ điện thoại xuống, bớt sống ảo đi và điều quan trọng nhất hãy luôn là chính mình", chị Yến chia sẻ.
Theo Báo HDO