Giới hạn 2 cuộc thi người đẹp toàn quốc mỗi năm
Đó là một trong những nội dung của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trên lãnh thổ VN hoặc từ VN ra nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc được gọi tên là thi Hoa hậu. Đối với cuộc thi người đẹp khác, căn cứ vào mục đích, ý nghĩa và tiêu chí cuộc thi, Ban tổ chức đặt tên cho phù hợp.
Về số lượng, đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm được tổ chức không quá 2 lần. Còn đối với cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể TƯ, mỗi năm tổ chức không quá 3 lần. Cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 1 lần.
Cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ VH,TT&DL căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định.
Nghị định mới liệu có là liều thuốc tiên dược chữa được "căn bệnh trầm kha" hát nhép, ăn mặc hở hang? |
Hát nhép, ăn mặc hở hang có chấm dứt?
Nghị định này cũng siết chặt hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vốn có nhiều biến tướng thời gian qua. Cụ thể, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, không được sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Ngoài ra, những hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại, tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn cũng bị cấm.
Đồng thời, không được quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật; quảng cáo người biểu diễn không đúng nội dung đã được cấp phép... Bên cạnh đó, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi tổ chức biểu diễn cho phép.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của văn bản. Đơn cử như các đơn vị truyền hình vẫn mượn những lý do khách quan như cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... không đảm bảo chất lượng chương trình truyền hình trực tiếp nên buộc phải "hát nhép".
Hay đơn vị nào và bố trí, phân bổ người như thế nào để thực hiện việc giám sát các chương trình biểu diễn nghệ thuật liên tiếp diễn ra trên địa bàn các thành phố lớn. Chưa kể, chế tài xử phạt đối với những vi phạm trên vẫn chỉ như "gãi ngứa" khiến tình trạng vi phạm không có dấu hiệu giảm sút.