Giật mình thủ đoạn "mẹ mìn"
Những kẻ hám lợi đã không từ bất cứ thủ đoạn nào biến những đứa trẻ ngây thơ, trong trẻo thành những món “hàng” mua đi, bán lại. Có những cháu bé may mắn được giải cứu trở về trong vòng tay yêu thương của người thân, còn nhiều đứa trẻ khác bị đưa qua biên giới, không biết số phận đi đâu, về đâu…
Ảnh minh họa |
Vạch trần chân tướng
Chiều muộn ngày cuối tháng 8 vừa qua, trinh sát hình sự Công an thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) qua công tác nắm tình đã phát hiện tại khu 2, phường Ka Long, có một người phụ nữ bế theo đứa con nhỏ đang tìm đường vượt biên trái phép. Bị bắt đưa về cơ quan công an, người phụ nữ này khai nhận là Lường Thị Hiền, quê ở Sơn La, có chồng là người Trung Quốc. Hiền cùng đứa con đẻ của mình về thăm quê, nhưng vì không có giấy tờ hợp pháp nên phải tìm đường vượt biên trở lại nhà chồng.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều tra và hơn cả là linh cảm của những người đã từng làm cha, làm mẹ quan sát một vài cử chỉ, hành động thì trinh sát nghi ngờ lời khai cũng như mối quan hệ mẫu tử của của người phụ nữ này với đứa bé. Đứa bé mới chừng chưa đầy 1 tháng tuổi nhưng nhìn vóc dáng người mẹ thì không có biểu hiện gì là mới sinh con. Trong khi đứa bé khóc ngằn ngặt đòi ăn thì người mẹ một mực không cho bú mà chỉ dỗ dành một cách vụng về bằng mấy thìa sữa tươi. Không còn nghi ngờ gì nữa, trinh sát vạch trần hành động giả danh sản phụ, yêu cầu người đàn bà này khai báo đúng sự thật.
Hai đối tượng trong một vụ án buôn bán trẻ em bị bắt giữ |
Biết không thể chối cãi, Lường Thị Hiền thừa nhận đứa bé không phải con đẻ của mình. Hiền cho biết chị ta được thuê nhận đứa bé từ Hoàng Thị Thắm, sinh 1990, cùng chồng là Trương Văn Giáp, sinh 1987, ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Trên đường Hiền đưa đứa bé vượt biên sang Trung Quốc thì bị phát hiện bắt giữ.
Từ lời khai của Hiền, lực lượng công an đã tiến hành bắt giữ vợ chồng Hoàng Thị Thắm, Trương Văn Giáp cùng một người đồng hương khác là Hoàng Thị Phương, sinh 1972 và Vương Thị Thành, sinh 1971, ở thôn Đồng Găng, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Vợ chồng Hoàng Thị Thắm và Trương Văn Giáp khai nhận trước khi về quê sống thì đã có thời gian đi lao động ở Trung Quốc. Tháng 6-2014, Thắm nhận được điện thoại của một phụ nữ cùng quê Nghệ An, tên là Hoa, hiện đang làm ăn ở Trung Quốc, nói muốn tìm một cháu bé quê ở miền Nam để đưa qua biên giới.
Sau khi nhận được số tiền tạm ứng là 40 triệu đồng qua tài khoản kèm theo lời hứa sẽ trả thêm tiền công hậu hĩnh khi có kết quả, vợ chồng Thắm đáp máy bay vào các bệnh viện ở TP.HCM đi tìm xin trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Tại cổng Bệnh viện Hùng Vương, vợ chồng Thắm bắt mối được một người làm nghề xe ôm hứa sẽ tìm giúp cháu bé như đã nói.
Đến khoảng giữa tháng 8 vừa qua, Thắm nhận được điện thoại của người làm nghề xe ôm thông báo đã tìm được một cháu bé. Tuy nhiên lúc này Thắm đang mang bầu nên rủ thêm Hoàng Thị Phương đóng vai là bà mẹ hiếm muộn tìm con nuôi. Tới TP.HCM, Thắm trả công cho người lái xe ôm 5 triệu đồng và được dẫn tới khu nhà trọ gặp một bà mẹ trẻ vừa sinh con trai 9 ngày tuổi. Người mẹ trẻ cho biết bị chồng bỏ rơi lúc mang bầu nên không có điều kiện nuôi con nhỏ và muốn cho những người hiếm muộn làm con nuôi mà không bán. Trước khi đưa cháu bé về Nghệ An, Thắm và Phương đưa cho mẹ cháu bé 20 triệu đồng, gọi là tiền bồi dưỡng sau sinh.
Đưa về quê nuôi thêm cháu bé được 10 ngày, đến ngày 23-8, vợ chồng Thắm và Giáp bế bé trai bắt xe khách ra Quảng Ninh. Chiều cùng ngày, tại khu vực thành phố Móng Cái, vợ chồng Thắm trao cháu bé cho Lường Thị Hiền đưa sang Trung Quốc nhưng bị phát hiện, bắt giữ.
Cơ quan điều tra Công an thành phố Móng Cái cho biết, cháu bé trai vừa được giải thoát có thể được bán với giá rất cao. Số tiền công để đưa cháu bé sang Trung Quốc được xác định lên tới 80 triệu đồng, trong đó 40 triệu đồng được đưa trước, đến khi vợ chồng Thắm giao cháu bé để đưa sang Trung Quốc còn nhận thêm hàng chục triệu đồng nữa.
Phơi bày thủ đoạn
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, gần đây tình trạng tội phạm lấy thành phố Móng Cái là địa bàn trung chuyển ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ có chiều hướng gia tăng. Điều đáng chú ý, phần lớn trẻ em mà các đối tượng đưa sang Trung Quốc bán đều được mua tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Lực lượng công an đánh giá, tội phạm buôn bán trẻ em thường sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi, thậm chí rất manh động.
Dư luận cả nước vẫn còn chưa hết bàng hoàng về việc Lê Thị Bích Trâm, sinh 1989, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, cả gan vào Bệnh viện quận 7 bắt cóc bé trai mới được 1 ngày tuổi mang đi bán lấy tiền trả nợ. Từ vụ việc này, Công an TP.HCM kết hợp cùng Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra làm rõ một đường dây mua bán trẻ em xuyên quốc gia gồm gần chục đối tượng, do Tưởng Đình Thương, sinh 1979, ở Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng, cầm đầu.
Ảnh minh họa |
Theo điều tra của cơ quan công an, nguồn “hàng” cung cấp cho Thương là do Ngô Thị Lan, sinh 1970, ở quận 1, TP HCM, gom về từ “cò mồi” là những người cắt móng tay dạo, xe ôm, hoặc những kẻ vô gia cư sống lang thang quanh các bệnh viện phụ sản ở TP.HCM. Lan hướng dẫn đám chân rết của mình tiếp cận các gia đình sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ đơn thân… để dụ dỗ mua những đứa bé mới sinh. Chúng thường dựng lên tương lai huy hoàng cho các bé, bảo rằng con của họ sẽ được những gia đình giàu có, quyền uy nhưng hiếm muộn mang về nuôi dưỡng. Mỗi lần môi giới thành công, những người này được Lan trả cho một triệu đồng tiền công.
Trước đó, trong một thời gian dài, Lan đã giao dịch thành công, bán hơn chục bé sơ sinh cho Nguyễn Thanh Hằng, sinh 1988, ở quận Tân Phú, TP.HCM, chuyển sang Trung Quốc. Mỗi lần thành công, Lan kiếm lời hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Hằng bị bắt ở Quảng Ninh, Lan quay sang hợp tác với Thương. Vụ gần đây nhất là Lan đã mua một bé trai với giá gần 15 triệu nhưng khi thông qua Thương, bà ta bán cho một phụ nữ ở Tây Ninh với giá gấp đôi.
Ảnh minh họa |
Cơ quan điều tra cũng làm rõ, ngoài việc kết hợp làm ăn với Lan, Thương còn lập hẳn trang web để “kinh doanh” trẻ em, mua bán tinh trùng... Thương cho biết, những ai cần có con chỉ cần báo cho hắn thì chỉ vài tuần sau sẽ được toại nguyện. Giá cả trang web đưa ra cho một bé sơ sinh “khôi ngô, khoẻ mạnh” chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng Thương thường tính các chi phí khác cao hơn hàng chục triệu. Để “phủ sóng” rộng rãi, Thương còn cho người phát tờ rơi, dán quảng cáo ở các bến xe, bệnh viện… Khi có người muốn bán trẻ em, hắn báo cho Lan hoặc tìm khách hàng ở các vùng Đông Nam bộ. Trong thời gian ngắn, Thương đã mua bán hơn 20 trẻ, thu lời bất chính hàng chục triệu đồng.
Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm vừa tiếp nhận 10 bé trai từ phía Trung Quốc trao trả sau khi Công an 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây bắt giữ hơn 40 đối tượng về hành vi mua bán trẻ em. Trong đường dây mua bán trẻ em này có 10 đối tượng người Việt Nam. Bọn chúng thường tổ chức mua bán trẻ sơ sinh từ các tỉnh, thành phố phía Nam đưa ra thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), sau đó bán sang Trung Quốc. Những cháu bé này, lớn nhất là 7 tháng tuổi, có bé mới có 10 ngày tuổi.
Theo TRẦN VĂN/ ANHP.VN