Giáo viên có phải là công chức?
Đó là ý kiến của bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tại Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật – Pháp lệnh năm 2017.
Bà Minh cho rằng Quốc hội cần sớm bàn đến Luật Nhà giáo, chứ không thể đánh đồng Luật Nhà giáo với Luật Công chức, bởi nhà giáo là một nghề đặc thù, xứng đáng có vị thế đặc biệt trong xã hội.
“Tôi cho rằng nhà giáo là một nghề đặc thù, họ không là công chức, không là viên chức mà họ là nhà giáo. Vị thế, danh dự và chính sách tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ, cần cân nhắc phải luật điều chỉnh để đảm bảo môi trường làm việc thực sự dân chủ, bình đẳng, kể cả trong cơ sở giáo dục đào tạo công lập hoặc ngoài công lập. Họ xứng đáng được nhận sự tôn trọng, vị nể của xã hội dành cho người thầy” - bà Ngô Thị Minh nói.
Thực tế ở các trường phổ thông và mầm non, nhiều người thầy và các cô bảo mẫu, ngoài nhiệm vụ dạy chữ truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học sinh, họ còn phải đảm trách vai trò của người giám hộ trong nhiệm vụ bảo vệ học sinh khỏi bị bạo hành, xâm hại, bắt cóc, buôn bán. Họ phải làm nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách cho học sinh và kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và giáo dục các em.
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội,ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. |
Theo bà Ngô Thị Minh, người thầy không chỉ đảm đương trọng trách đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phương pháp lao động của người thầy còn phải đặc biệt chú trọng đến việc nêu gương cảm hóa đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình, nhằm tạo ra những con người có ý thức, biết tận dụng tri thức, kỹ năng, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo để vươn lên bắt nhịp với thời đại.
“Thời gian qua, rất nhiều thầy cô đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện mang con chữ đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, các em sống tại các vùng bản làng xa xôi, giúp các em vượt qua các hủ tục lạc hậu, thoát sự đói nghèo”, bà Ngô Thị Minh nói.
Mặc dù dù vậy, Nhà nước mới chỉ quan tâm giải quyết về phụ cấp đứng lớp cho thầy cô theo Nghị quyết số 27 ngày 15/11/2008 của Quốc hội khóa XII. Tuy nhiên, do chưa đồng thuận trong sự nhìn nhận của một số ý kiến cho rằng nhà giáo cũng là viên chức và chỉ cần có Luật viên chức là đủ, vì vậy Luật Nhà giáo đã bị rút khỏi chương trình dành chỗ cho các luật khác.
Theo bà Minh, thời gian qua có gần 200 văn bản quy định và điều chỉnh về chính sách đối với nhà giáo, nhưng nhiều bất cập chồng chéo và không thể giải quyết được những vấn đề đặt ra và làm giảm vị thế của nhà giáo trong xã hội, trước áp lực giảm biên chế trong bộ máy nhà nước hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ sự đồng tình với đại biểu Ngô Thị Minh khi cho rằng cần sớm đưa Luật nhà giáo vào chương trình làm việc trong năm 2018 của Quốc hội.
“Qua báo chí chúng tôi nắm được tình hình Bộ Giáo dục và đào tạo nêu vấn đề bỏ biên chế trong giáo dục. Như vậy, vấn đề này có phải cấp bách không, để đưa Luật Nhà giáo vào điều chỉnh cho kịp thời với chỉ đạo của Bộ Giáo dục” bà Nguyễn Thị Kim Bé nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang. |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cùng với các đề xuất về các dự luật khác, đây là một vấn đề phải làm rất kỹ, phải bám sát vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội vừa ban hành thông qua là việc đánh giá chính sách, đề xuất chính sách, đánh giá tác động để đưa vào chương trình.
“Không phải bây giờ cứ đề xuất là chúng ta đưa ngay, bổ sung ngay vào chương trình. Ví dụ, Luật hợp tác công tư, Luật nhà giáo, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật đơn vị sự nghiệp công lập, Luật thực hiện dân chủ cơ sở, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế tài sản, thuế tài nguyên. Các luật khác thì có thể nói là có 16 dự án luật đề nghị bổ sung vào chương trình của năm 2018”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần phải bảo đảm theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau đó báo cáo với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ làm đúng theo quy trình rồi sẽ có thể có những điều chỉnh cần thiết và sau đó báo cáo lại với Quốc hội tại kỳ họp tới.