Giáo dục đại học cần thiết kế theo nhu cầu xã hội
Giáo dục đại học cần thiết kế theo nhu cầu xã hội
Đại biểu Quốc hội Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh). Ảnh Xuân Hải. |
Vì sao vậy thưa ông?
Vì chỉ tiêu tuyển dụng của địa phương rất ít, mà chỉ tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khá của các trường như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Học viện Tài chính, Đại học Quốc gia hoặc nếu tuyển dụng từ các trường đại học ở địa phương thì sinh viên tốt nghiệp phải thật sự xuất sắc. Hiện nay, giáo dục đại học đào tạo theo kiểu đại trà, có cái gì đào tạo cái đó, những ngành, nghề xã hội đang cần thì không đào tạo, giáo dục đại học hiện nay yếu kém ở cái đó. Rất nhiều sinh viên khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường rất khó xin việc, không phải là do các em yếu kém mà do xã hội không cần, trong khi đó các trường đại học lại đua nhau mọc lên.
Hiện nay, trong cả nước hầu hết tỉnh nào cũng có trường đại học, vậy theo ông mở nhiều trường như vậy có bị thừa “thầy” thiếu thợ?
Do tâm lý người dân Việt Nam sính làm “thầy” hơn thợ nên nhà nhà đua nhau đi học đại học mà không chú trọng đến học nghề để làm thợ. Chính vì vây cũng tạo điều kiện cho các trường đại học đua nhau mọc lên mặc dù thợ kỹ thuật lành nghề hiện nay rất ở đâu cũng rất cần.
Ví dụ như ở Hà Tĩnh đang rất cần những kỹ sư bậc cao và thợ lành nghề để phục vụ cho lĩnh vực lọc hóa dầu, khai thác mỏ hay nhà máy thép nhưng khi tuyển dụng lại rất thiếu nhân lực.
Hà Tĩnh cũng có trường đại học của tỉnh, vậy sinh viên ra trường có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của địa phương không, thưa ông?
Gần đây, chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh là giao cho trường đại học Hà Tĩnh phải đào tạo ngành, nghề tỉnh đang cần, cụ thể hơn là đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng trước như ngành nghề gì, chuyên môn gì để khi tốt nghiệp ra trường các em đều được bố trí việc làm. Nếu không đào tạo những ngành, chuyên môn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đang cần thì khi sinh viên ra trường sẽ rất khó xin việc.
Theo ông có nên cơ cấu các trường đại học theo hướng chuyên biệt như chỉ đào tạo lĩnh vực nghiên cứu hay kỹ thuật chứ không nên đào tạo theo phong trào đủ các khoa, ngành?
Tôi đồng ý quan điểm này, theo tôi trường đại học nên đào tạo theo lĩnh vực của từng trường như đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu thì sau khi ra trường sinh viên sẽ làm việc ở các viện nghiên cứu hay trung tâm nghiên cứu, những người có năng khiếu kỹ thuật sẽ học ở các trường kỹ thuật bậc cao. Còn nếu anh không thuộc hai lĩnh vực này thì nên học làm thợ tại các trường nghề. Khi anh chỉ phù hợp với nghiên cứu mà bố trí sang làm thợ sẽ không phù hợp. Có những người học rất giỏi nhưng khi làm việc trực tiếp lại không phù hợp mà chỉ phù hợp với việc nghiên cứu hay giảng dạy. Điều cần thiết là các trường đại học không nên chạy chỉ tiêu để thêm thu nhập.
Cụ thể là gì thưa ông?
Ví dụ như chỉ giao cho anh 50 chỉ tiêu nhưng anh xin được mở thêm hệ B 40 – 50 chỉ tiêu, còn việc đào tạo sinh viên ra để làm gì có xin việc được không thì nhiều trường không quan tâm.
Giáo dục đại học ở nước ta từ trước đến nay bị thả nổi, sự ra đời của luật giáo dục đại học có “gò” được tình trạng này không thưa ông?
Tôi hy vọng, trông đợi nhiều về dự án luật này, tuy nhiên cần phải nghiên cứu cho kỹ để tránh khi áp dụng thực tiễn lại khó vận dụng hay khiến các trường đại học lách luật.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hải