Gian lận thi là "giọt nước tràn ly", BT Nhạ không nhận trách nhiệm chung chung được
Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) |
Theo đại biểu Thái Trường Giang đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ xem xét, đánh giá tác động của của kỳ thi THPT Quốc gia “2 chung” bởi thực tế kết quả không như Bộ trưởng Nhạ nêu.
Ngoài ra, đại biểu Giang cũng đề nghị Bộ nên giao quyền tự chủ cho các trường đại học có quyền tổ chức thi, chịu trách nhiệm với sản phẩm “đầu vào, đầu ra” của mình.
"Về bệnh thành tích trong giáo dục, có thể nói đây là căn bệnh “trầm kha”. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã không đề cập đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng, bệnh thành tích trong giáo dục có phải là căn bệnh trầm trọng hay không? Cử tri cần Bộ trưởng có thái độ dứt khoát hơn để chấn hưng nền giáo dục nước nhà chứ không chỉ nhận trách nhiệm chung chung như đã trình bày”, đại biểu Thái Trường Giang nêu.
Trước đó, phát biểu tại nghị trường chiều 30/5, đại biểu Thái Trường Giang cũng đã có những ý kiến rất gay gắt trước những căn bệnh âm ỉ của ngành giáo dục hiện nay.
Đại biểu Giang ghi nhận, nếu trước năm 1945 nước ta có 95% dân số mù chữ, thì nay con số đã đảo ngược lại là 97% dân số biết chữ, là thành quả rất lớn của đất nước, trong đó có vai trò của ngành giáo dục. Tuy nhiên, ông Giang cũng cho rằng, những gì đang diễn ra hiện nay buộc chúng ta không khỏi lo lắng, đôi khi còn nghi ngờ "vai trò" quốc sách hàng đầu của ngành giáo dục.
Theo đại biểu Giang, nền giáo dục hiện nay không thực chất, bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm mà còn gia tăng. “Ngành giáo dục không dám đối mặt với sự thật, để kết quả giáo dục đúng hơn, thực chất hơn. Thực chất làm sao được khi lớp có 43 học sinh thì 42 em là học sinh giỏi, chỉ có 1 em là học sinh khá? Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi là rất nhiều. Bây giờ tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển”, ông Giang bày tỏ.
Ngoài bệnh thành tích, hiện nay, theo đại biểu Thái Trường Giang, mối quan hệ thầy - trò đang bị "biến dạng", nói như đại biểu Giang thì nó là “một hồi chuông cảnh báo” để những người có trách nhiệm phải suy nghĩ và hành động.
“Trước kia có thể phạt học trò quỳ, úp mặt vào tường khi học trò mắc lỗi nào đó, và chính hình phạt đó làm học sinh ngoan hơn, nên người hơn. Còn bây giờ thì sao?”, đại biểu Thái Trường Giang đặt câu hỏi.
Đỉnh cao của những bức xúc của ngành giáo dục vốn âm ỉ trong xã hội bấy lâu nay là vụ gian lận điểm thi. Ông Giang cho rằng, tiêu cực trong thi cử chính là "giọt nước tràn li", buộc ngành giáo dục phải xem xét lại hiệu quả của việc nhập 2 kỳ thi làm một, phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi, nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
“Nếu trước đây, tiêu cực thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ, thì giờ gian lận đã trở nên có tổ chức, có quy mô lớn hơn, xảy ra ở nhiều địa phương, do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực thực hiện. Gian lận thi cử đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các em học sinh thi thật, học thật; làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, băng hoại nền giáo dục của nước nhà”.
Với những thực tế không thể phủ nhận này, đại biểu tỉnh Cà Mau này cho rằng ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, đánh giá trúng, để còn kịp cứu nền giáo dục nước nhà.