Giảm “vênh” con số thống kê giữa Trung ương và địa phương
Theo nội dung tờ trình dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 25/5, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục chênh lệch số liệu thống kê giữa trung ương, địa phương và các bộ ngành.
Cụ thể, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của Cơ quan Thống kê Trung ương thì Cơ quan Thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định tiến bộ so với trước đây. |
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Thống kê năm 2013, bao gồm thống kê Nhà nước và thống kê ngoài Nhà nước.
Ngoài ra, dự thảo khẳng định rõ hệ thống thông tin thống kê Nhà nước gồm 4 cấp: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện. Điểm bổ sung này cũng nhằm làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê.
Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng được cụ thể hóa trong dự thảo Luật, quy định phân cấp rõ ràng giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố của Cơ quan Thống kê Trung ương và bộ, ngành, địa phương.
“Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê Nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin thống kê Nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo; bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về các cơ quan thống kê địa phương (khoản 19 Điều 4) nhằm khẳng định và luật hóa vị trí pháp lý của Cục Thống kê cấp tỉnh trực thuộc Cơ quan Thống kê Trung ương và Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh. Qua đó, khẳng định hệ thống thống kê tập trung và mô hình tổ chức của hệ thống thống kê nhà nước ở Việt Nam.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thống kê (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định tiến bộ so với Luật hiện hành.
Đơn cử, bổ sung phạm vi điều chỉnh gồm thống kê Nhà nước và thống kê ngoài Nhà nước cho thấy sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện. “Việc quy định thống kê ngoài nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của tổ chức, cá nhân”- Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội. Do đó, đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài Nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh hoạt động thống kê Nhà nước, còn hoạt động thống kê ngoài Nhà nước nên được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành khác.
Đồng tình với việc phân chia 4 cấp hệ thống thông tin thống kê Nhà nước, song cũng có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo Luật phải làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong việc kiểm tra, công bố thông tin thống kê; rà soát quy định phù hợp với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Để khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê trung ương và bộ, ngành, Ủy ban Kinh tế đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê của bộ, ngành khi công bố trong trường hợp bộ, ngành giải trình với cơ quan thống kê trung ương bằng văn bản về việc không tiếp thu ý kiến thẩm định.
Cũng có ý kiến đề nghị cần quy định quyền hạn được phản biện của tổ chức, cá nhân khi sử dụng các số liệu thống kê được công bố.
Cơ bản đồng tình về tổ chức thống kê nhà nước quy định tại Chương VII của dự thảo Luật, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, cần tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất. Thậm chí, có ý kiến đề nghị xem xét quy định cơ quan thống kê trung ương thuộc Chính phủ hoặc là tổ chức hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.