Giám đốc WB Việt Nam nói về dự án 300 triệu USD tại TP.HCM bị khiếu nại
Tháng 12/2017 liên danh Acciona (Tây Ban Nha) – Vinci (Pháp) trúng thầu thiết kế, xây dựng, vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư 307 triệu USD, với nguồn vốn từ Ngân hàng Thế Giới (WB).
Tuy nhiên sau đó liên danh Samsung (Hàn Quốc) - Kolon (Hàn Quốc) - TSK (Nhật Bản) đã khiếu nại kết quả này vì cho rằng họ chỉ bỏ thầu 222 triệu USD, trong khi liên danh trúng thầu bỏ tới 240 triệu USD.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: báo Đấu thầu |
Ngày 13/11 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định quá trình đấu thầu đã được thực hiện đúng và chịu giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Ngoài các lập luận, ông Hoan cũng đưa ra bức thư ông Ousmane Dione (Giám đốc WB tại Việt Nam và vùng Châu Á Thái Bình Dương) gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để giải thích về khiếu nại của liên danh Samsung - Kolon – TSK.
Cụ thể, trong bức thư ông Ousmane Dione khẳng định quá trình đấu thầu dự án đã thực hiện đúng theo Hướng dẫn mua sắm đấu thầu, được áp dụng theo các thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và Ngân hàng tái thiết phát triển (IBRD) cùng Tổ chức phát triển Quốc tế (IDA) và được thông qua từng bước theo yêu cầu của WB.
“Tôi cũng muốn tái khẳng định rằng các vấn đề cụ thể được nêu ra trong các thư khiếu nại từ hai đơn vị liên danh dự thầu đã được giải quyết trong quá trình lựa chọn sơ tuyển và quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu bởi cơ quan thực hiện dự án” – ông Dione nhấn mạnh, và cho biết quá trình giải quyết các khiếu nại này đã được WB “khép lại”.
Cũng theo ông Dione, hợp đồng với đơn vị trúng thầu đã được ký từ tháng 3/2019 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai vì chậm trễ trong thanh toán tạm ứng hợp đồng. “Tôi hiểu rằng lý do chính là vì các khiếu nại nêu trên” – ông nói.
Vì vậy ông cho biết đã “thúc giục” UBND TP.HCM nhanh chóng khởi công dự án song song với việc giải quyết các khiếu nại để không bị chậm trễ, và mục tiêu của dự án phụ thuộc lớn vào sự thành công của gói thầu này.
Ông cho rằng nếu dự án bị chậm, thì “cuối cùng là giảm lợi ích của thành phố và người dân thành phố”.