Giám đốc Sở Hà Tĩnh đau đầu vì hơn 35.000 lao động 'chui' ở nước ngoài
Các đại biểu băn khoăn về công tác XKLĐ trên địa bàn còn nhiều bất cập. |
Sáng 15/12, báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cho biết, hiện nay địa phương này đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Angola…; số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang là vấn đề đáng báo động.
Theo ông Lạc, Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước ngoài, thì địa phương có trên 35.000 người đang làm việc “chui”.
“Tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, hết hạn hợp đồng thực sự là vấn đề lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Tại thị trường Hàn Quốc, số lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và lao động hết hạn hợp đồng không về luôn đứng đầu cả nước”, ông Nguyễn Trí Lạc lo lắng.
Chất vấn về những vấn đề bất cập trong việc quản lý XKLĐ, việc làm, nhiều đại biểu tại nghị trường đặt câu hỏi: Hà Tĩnh hiện chỉ có 1 đơn vị được cấp phép XKLĐ, tuy nhiên lại có nhiều đơn vị ngoại tỉnh tham gia hoạt động XKLĐ trên địa bàn; làm thế nào để quản lý tốt với tình trạng này, giải pháp nào để tăng số lượng người đi xuất khẩu nhưng lại giảm số lượng lao động bất hợp pháp?
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Lạc thừa nhận, công tác quản lý các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn cũng hết sức khó khăn. Có 9.000 người (chiếm 99%) do các doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh đưa đi, số doanh nghiệp này khá lớn với 410 doanh nghiệp với nhiều chi nhánh cùng với các văn phòng, điểm tiếp nhận hồ sơ trên địa bàn cả nước.
Hiện nay, chúng ta có 67.818 lao động ở nước ngoài. Việc các lao động đi cư trú bất hợp pháp thì bằng rất nhiều con đường. Ngoài con đường đi hợp pháp theo luật lao động đưa người Việt Nam và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài thì đã có sự bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh phân tích: “Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao họ lại phải bỏ ra ngoài, chúng tôi cho rằng người ta ở lại là một cái không mất gì cả (không mất vé bay về, không mất chi phí gì cả…) thì người ta được làm việc và tiền; tất cả những việc đó ở phía nước sở tại cũng không gắt gao”.
“Nhiều lao động khi đi thì hợp pháp, còn ở lại làm việc bất hợp pháp, họ đi bằng nhiều con đường khác nhau như du lịch, du học, nghiên cứu sinh, khám chữa bệnh…; việc lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn rất khó khăn”, ông Lạc lo lắng nói.