Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC HN: Chuyển cơ quan điều tra 3 chung cư vi phạm
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định |
Ông Định thông báo, trong năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 1100 vụ cháy, nổ ( năm 2017: 820 vụ; quý 1/2018: 280 vụ trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn, 187 vụ cháy trung bình, 846 vụ cháy nhỏ, 3 vụ nổ).
Ngoài ra còn có 699 sự cố chập điện, 442 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Thiệt hại về người: 24 người chêt, 18 người bị thương; thiệt hại về tài sản: ước tính 617 tỷ đồng và 63 ha rừng. So với năm trước: giảm 94 vụ cháy; bằng số người chết, giảm 9 người bị thương thiệt hại về tài sản tăng hơn 125 tỷ đồng.
“Tình hình cháy, nổ tuy có giảm nhẹ, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở nội thành chiếm 67,27%, các huyện ngoại thành chiếm 23,73%. Chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân (chiếm trên 95%).
Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm từ 2-3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%, một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản là loại hình nhà liền kề (dạng nhà ống chia lô) kết hợp kinh doanh, nhà kho xưởng sản xuất tạm... Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao (64,1%). Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều, song đã gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản”- ông Hoàng Quốc Định nói.
Trả lời câu hỏi báo giới về việc khắc phục vi phạm về PCCC tại các chung cư trên địa bàn thành phố, ông Định cho hay, tại cuộc họp đầu tháng 12 năm 2017 trên tổng số 79 công trình đã đưa vào sử dụng (người dân đã vào ở) còn nhiều tồn tại về công tác PCCC rất khó khăn, phức tạp. Cuộc họp này do Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì với sự tham gia của Chủ tịch các quận huyện, chủ đầu tư đã giao nhiệm vụ đến quý 2 năm 2018 phải khắc phục toàn bộ.
“Tuy nhiên quá trình thực hiện có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, đến 23/3, báo cáo thành phố còn 31/79 công trình chưa thực hiện được công tác PCCC trong đó 4 công trình thuộc DN tư nhân số 1 Điện Biên. Từ đó đến nay việc giải quyết vấn được tiến hành, các chủ đầu tư cũng đang tập trung khắc phục.
Với các công trình này theo yêu cầu UBND TP chúng tôi thực hiện kiểm tra, đôn đốc (15 ngày/lần), tính đến ngày hôm qua thêm 2 công trình hoàn thiện và được nghiệm thu về PCCC. Như vậy số công trình còn tồn tại vi phạm PCCC là 29”- ông Định nêu.
Ông Định cũng cho biết, trong 29 công trình có 15 công trình khó khắc phục vì các công trình này là những công trình đã xây dựng giai đoạn trước năm 2001 (trước khi có Luật PCCC). Với các công trình này, Cảnh sát PCCC thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết thêm đã chuyển cơ quan điều tra chủ đầu tư của 3 chung cư. “Đây đây là một việc bất đắc dĩ cực chẳng đã! Các vi phạm về an toàn PCCC bình thường xử lý bằng các chế tài hành chính, hình sự khi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ở đây tồn tại vi phạm kéo dài, ý thức tiếp thu kém, đã xử lý hành chính nhưng cố tình không khắc phục.
Cụ thể 3 công trình: Chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà 1 là chủ đầu tư; Chung cư CTA-B 6 tại Văn Khê, quận Hà Đông thuộc Công ty Hà Châu OSC làm chủ đầu tư".
“Với 3 công trình này, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra CATP Hà Nội thụ lý”- ông Định cho biết.
Đối với các chung cư tái định cư trên địa bàn Thành phố, ông Định cũng cho biết thêm, Thành phố đã có chủ trương chỉ đạo khắc phục, mới đây nhất Chủ tịch UBND TP đã ký quyết định chi gần 100 tỷ để lắp đặt khắc phục đảm bảo điều kiện an toàn PCCC.
Riêng đối với chung cư mi ni, ông Định cho biết vẫn còn một loạt khoảng trống từ các quy định, thủ tục xây dựng đến khi đưa vào hoạt động cho thuê, bán. Các ngành chức năng như tài nguyên môi trường, xây dựng, PCCC, các quận huyện phường đang rà soát để đưa vào siết chặt quản lý.
“Chung cư này điều kiện PCCC rất hạn chế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dân không nên mua, không nên sử dụng”- ông Định nhấn mạnh.