Giám đốc CA Hà Nội: Chỉ nên buộc ghi âm, ghi hình trong án nghiêm trọng
Quan điểm ĐB Nguyễn Đức Chung (TP.Hà Nội), Giám đốc Công an TP. Hà Nội đưa ra tại phiên thảo luận ở tổ chiều 27/5 về dự thảo Luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Tranh luận về quy định về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 174) của dự thảo Luật tố tụng hình sự (sửa đổi) ĐB Nguyễn Đức Chung (TP.Hà Nội), Giám đốc Công an TP.Hà Nội nêu thực tế, luật không bắt buộc nhưng trong một số vụ án nghiêm trọng, bị can, bị cáo thay đổi lời khai liên tục buộc công an Hà Nội cũng phải ghi âm ghi hình. Nhưng việc ghi âm, ghi hình ở đây không phải cứ đặt máy quay, máy ghi là xong, mà phải lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung được ghi bằng máy gì, mã số máy, rồi cho bị can nghe lại, sau đó lập biên bản niêm phong…. thì bản ghi âm đó mới có giá trị pháp lý.
Giám đốc Công an TP. Hà NộiNguyễn Đức Chung |
“Một điều tra viên điều tra 30-60 vụ, mỗi bị can ít nhất là 6-7 bản cung, nhiều thì tới 60-70 bản cung. Trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình bao nhiêu cho đủ? Ghi âm, ghi hình hết thì cất trữ ở đâu cho đủ?”- Tướng Chung đặt vấn đề và đề xuất “chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình đối với những vụ án phức tạp”.
Vẫn trong mạch băn khoăn trước quy định bắt buộc phải “ghi âm, ghi hình” ĐB Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: Thủ tục này có cần thiết hay không? Theo ông Đương, dường như quy định trong dự thảo luật đang đề cập chuyện lý tưởng hóa “ghi âm ghi hình” trong mọi trường hợp để tránh ép bức cung, nhục hình, nhưng chính quy định này lại vừa tốn kém ngân sách Nhà nước, tạo thủ tục rườm rà, lại không cần thiết.
“60% phạm pháp ở ta chứng cứ đầy đủ, thì ghi âm ghi hình làm gì? Ai là người ghi âm, ghi hình? Không phải vì một số vụ án oan sai mà giờ vống lên đòi hỏi phải ghi âm, ghi hình. Quan trọng là cái tâm của điều tra viên”- ĐB Đương nêu quan điểm.
Với kinh nghiệm xét xử hàng loạt vụ án, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu quy định ghi âm, ghi hình thì khi đưa ra tòa án muốn đó là chứng cứ để tòa xem xét, thì phải chứng minh được nguồn gốc của băng ghi âm, ghi hình. Thực tế, trước đây vẫn có băng ghi hình và chỉ cung cấp cho thẩm phán để có niềm tin nội tâm khi đưa ra phán xét cuối cùng, chứ không được coi là một chứng cứ. “Nếu luật đưa quy định này vào thì phải bổ sung quy định chứng minh nguồn chứng cứ rõ ràng” – ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất.
Cũng từ thực tế công tác điều tra, ĐB Lê Đông Phong (TP.Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh quả quyết, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình cần nghiên cứu để áp dụng nhưng phải chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu thực tế hiện nay.
Ông kể, thực tế trong quá trình điều tra của công an, khi khám nghiệm hiện trường vẫn dùng biện pháp ghi hình, nhưng ảnh phải chụp bằng phim chứ không được dùng thẻ nhớ để đảm bảo an toàn, tính trung thực của giá trị chứng cứ.
“Phải cân nhắc và quy định chặt chẽ ngay trong luật: ai quản lý ghi âm, ghi hình; ghi âm, ghi hình ở giai đoạn nào? Chứ không thể quy định một cách rất chung chung như dự thảo luật sẽ gây khó khăn trong quá trình vận dụng vào công tác điều tra”- Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh.