Giải cứu nông sản cứ "đến hẹn lại lên", giải quyết thế nào thưa Bộ trưởng Cường?
Bộ trưởng BộNN&PTNTNguyễn Xuân Cường |
Theo đó, ông Cường sẽ trả lời nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Chia sẻ với PV Infonet về chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong đó tập trung vấn đề gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt, ĐB Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cho biết, đây là lĩnh vực mà ông quan tâm và mong muốn được chất vấn Bộ trưởng vào ngày 6/11 tới.
Bởi nếu không gỡ được “thẻ vàng” hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” sẽ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là đời sống người dân.
Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá.
Đáng chú ý, khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).
Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) |
Báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.
Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Nghiêm trọng hơn, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây thực sự là 1 cảnh báo tình huống nguy hiểm cho thế mạnh xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Đại biểu đến từ Cà Mau cho hay, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực và quyết liệt trong việc khắc phục để Liên minh Châu Âu rút lại thẻ vàng.
“Quy định đặt ra mức phạt phạt cao nhất đến 1 tỷ đồng, đã có trường hợp bị phạt 800 triệu nhưng xem ra vẫn còn vi phạm”, đại biểu Thái Trường Giang nói và thông tin, theo kế hoạch thì từ ngày 5-11/11 đoàn thanh tra của Liên minh Châu Âu sẽ sang làm việc với Việt Nam. Họ sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số tỉnh ven biển....
“Tôi rất lo lắng nếu chúng ta không “gỡ” được thẻ vàng. Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Thái Trường Giang nêu câu hỏi.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) |
Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, dù Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng trả lời chất vấn nhiều lần, nhưng “chưa lần nào Bộ trưởng trả lời mà tôi cảm thấy vui”.
Bởi vì, Bộ trưởng đưa rất nhiều giải pháp, nhưng chưa đưa giải pháp đó đi vào cụ thể để làm sao người nông dân có thể sống được và làm giàu từ nông nghiệp.
“Đưa nông sản của chúng ta sản xuất ra không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà chính người dân sử dụng cũng cảm thấy đảm bảo an toàn. Và các giải pháp chúng ta sơ chế, bảo quản cũng được cụ thể hóa bằng các chính sách, chủ trương cụ thể chứ không như tình trạng hiện nay”, đại biểu Bạch Tuyết nói.
Song song với đó, bà Tuyết cho rằng, cần có những giải pháp không để tránh xảy ra tình trạng lâu lâu lại phải “giải cứu” một mặt hàng nào đó.
“Vấn đề ở đây phải đảm bảo để nông sản của chúng ta đến được nhiều thị trường mà không phải chỉ phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào đó. Theo tôi biết người Việt Nam sử dụng rất nhiều nông sản nhập khẩu vì người ta nghĩ rằng nó an toàn hơn nông sản trong nước như trái cây, rau củ… Nếu như nông sản Việt Nam thay thế được những sản phẩm đó thì cũng mang lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân của mình”, đại biểu Bạch Tuyết nêu.