Giá xăng dầu hôm nay 23/5: Lấy lại đà tăng
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít, giá bán là 21.490 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 tăng 350 đồng/lít, lên mức giá 20.480 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 300 đồng/lít, giá lên mức 17.950 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 10 đồng/lít, giá xuống mức 17.960 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 22/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.490 | +490 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.480 | +350 |
Dầu diesel | 17.950 | +300 |
Dầu hỏa | 17.960 | -10 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (23/5) có xu hướng phục hồi trước lo ngại nguồn cung thắt chặt và nhu cầu nhiên liệu có sự khởi sắc đáng kể.
Hôm qua (22/5), giá dầu thế giới tiếp đà đi lên từ tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h35' ngày 22/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 75,07 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 70,97 USD/thùng.
Đến 20h37' ngày 22/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt mức 75,82 USD/thùng, tăng 0,24 USD, tương đương 0,32% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,72 USD/thùng, tăng 0,17 USD, tương đương 0,24% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu có dấu hiệu phục hồi trước lo ngại nguồn cung thắt chặt và nhu cầu nhiên liệu có sự khởi sắc.
Trong báo cáo tháng mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay, trong khi nhu cầu sẽ vượt nguồn cung gần 2 triệu thùng/ngày.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, chia sẻ với Reuters rằng IEA không kỳ vọng những động thái của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm phản đối việc lẩn tránh áp mức giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của Nga sẽ làm thay đổi tình hình nguồn cung dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ.
Mới đây, G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã đồng ý áp giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời đặt ra mức giá trần cao hơn đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga nhằm giảm bớt nguồn thu của Nga sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
G7 cho biết sẽ tăng cường nỗ lực chống lại việc lẩn tránh áp mức giá trần, tránh tác động lan tỏa và duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá dầu đi lên còn chịu tác động bởi sự thắt chặt nguồn cung ở Canada và nhiều nơi khác.
Cháy rừng ở Alberta, Canada khiến việc sản xuất ít nhất 300.000 thùng dầu/ngày ở nước này bị gián đoạn.
Trong tháng này, nhiều thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện, khiến nguồn cung trở nên eo hẹp.
Ngoài ra, hoạt động khoan dầu đang sụt giảm ở Mỹ làm gia tăng rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Theo số liệu từ Hãng Dịch vụ Dầu khí Baker Hughes, lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã giảm 11 giàn, xuống chỉ còn 720 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 19/5, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.
Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới có dấu hiệu khởi sắc.
Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu thế giới sẽ đi lên trong những ngày tới khi Mỹ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ.
Hạnh Nguyên