Giá trị kiểm toán cũng phải có hiệu lực pháp lý?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị giá trị của kiểm toán cũng phải có hiệu lực pháp lý. |
Cho ý kiến về những nội dung quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Luật kiểm toán cần phải đưa ra những quy định cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp với từng mức độ sở hữu vốn nhà nước khác nhau: Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải kiểm toán thế nào? Kiểm toán hàng năm hay thế nào đó? Loại hình doanh nghiệp chỉ có 51%, 70%, hay 30% vốn nhà nước... phải chia ra thành một loại chứ không thể giống như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán chỉ nên quy định ở mức 5 năm cho đồng nhất chứ không nên quy định thời hạn 7 năm như hiện nay.
“Doanh nghiệp nhà nước phải giữ nguyên tắc, ở đâu có tiền, có tài sản công, tài chính công thì phải kiểm toán chứ không phải nhà nước chỉ có 41% trở xuống thì làm nhẹ, còn 51% trở lên thì làm mạnh” – Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, thời hạn kiểm toán phải quy định trong luật tùy theo mức độ của mỗi doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Trong trường hợp đặc biệt, Tổng Kiểm toán có quyền xin gia hạn, nếu quy định chung chung thì doanh nghiệp nhà nước khó thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Giàu cũng đề nghị nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nên quy định ở mức 5 năm cho đồng nhất chứ không nên quy định thời hạn 7 năm như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, các đơn vị khác cũng quy định chỉ có 5 năm mỗi nhiệm kỳ nên vị trí Tổng Kiểm toán cũng cần phải theo đa số.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng cần phải quy định chặt chẽ trách nhiệm kiểm toán viên. Tuy nhiên nếu quy định chế tài xử lý hình sự thì không cần, nhưng nếu có thì phải quy định rất rõ trường hợp nào xử lý hành chính, trường hợp nào xử lý hình sự, trường hợp nào thì bồi thường thiệt hại…
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, kiểm toán là kiểm tra, hạch toán và kế toán. Như kiểm toán ở nước ngoài, người ta chỉ công khai thôi và không có chuyện khiếu nại. Tuy nhiên ở ta do yêu cầu bắt buộc nên phải có khiếu nại, nhưng việc này phải theo đúng trình tự.
Trước nhiều ý kiến đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị giá trị của kiểm toán cũng phải có hiệu lực pháp lý, đồng thời kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết quả của mình. Như vậy thì phải cho người ta quyền khiếu nại tố cáo và phải xử.
“Dứt khoát giá trị pháp lý phải có. Sau này Luật giám sát Quốc hội phải có tính nghiêm túc về việc này” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng, khi cần thiết Quốc hội sẽ tổ chức giám sát, các Ủy ban cũng có quyền giám sát, chứ không đứng ra xử đúng hay sai.