Gia Lai: Rừng được tài trợ 8 tỉ đồng để bảo vệ vẫn bị tàn phá nghiêm trọng
Mặt gốc có đường kính gần 1 mét. |
Sau khi Infonet đăng tải bài về việc phát hiện vụ phá rừng trái phép với quy mô lớn tại làng Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), cơ quan chức năng gồm: lực lượng Công an tỉnh Gia Lai, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai và Công an huyện Mang Yang đã cùng PV tiếp cận hiện trường.
Lực lượng chức năng cùng PV Infonettiếp cận hiện trường vụ phá rừng trái phép. |
Ngày đầu tiên (27/12/2019) làm việc, đoàn liên ngành đo đếm được 22 gốc cây với khối lượng gần 30 mét khối. Theo các thành viên trong đoàn, số lượng gỗ bị cắt hạ nhiều nên sẽ đề xuất mời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai vào trực tiếp khám nghiệm hiện trường, hoàn thiện hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự.
Đến nay, do số lượng gỗ vi phạm nhiều nên lực lượng chức năng chưa đo đếm hết, chưa có kết quả kiểm tra và đang xác định chủng loại gỗ vi phạm.
Sáng ngày 2/1/2020, trao đổi với PV, ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, “Phát hiện ban đầu là 45 gốc và hiện chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra. Về khối lượng phải đưa lên Chi cục (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai-PV) giám định, sau đó họp để khởi tố vụ án hình sự theo cơ sở, mức độ thiệt hại”.
Không những bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép, rừng cộng đồng tại làng Tar còn bị xâm lấn nghiêm trọng. Nhiều ngày thâm nhập trong rừng, PV phát hiện sơ bộ 4 khu bị lấn chiếm với diện tích nhiều ha.
Sau khi phá sạch thực vật rừng, người dân làm nhà và trồng trọt (chủ yếu trồng cây sắn) trên những mảnh đất phi pháp. Về việc này, ông Trọng giải thích thêm: “Cái này chúng tôi đang làm, lực lượng Công an đang vào cuộc, cố gắng bắt được các đối tượng cầm đầu”.
Tuy nhiên, theo báo cáo (số 10/BC-KfW10, ngày 20/12/2019) của Ban quản lý Dự án KfW10 huyện Mang Yang, kết quả tuần tra truy quét phát hiện 2 vụ phá rừng làm rẫy với diện tích 0,3ha.
Sau khi phát hiện gỗ bị cắt hạ và vận chuyển trái phép, PV nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Long Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang để phản ánh, tuy nhiên, ông Sơn luôn cáo bận.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận vụ phá rừng quy mô lớn tại Mang Yang:
Gốc 'khủng' mới bị cắt. |
Mủ đang ứa. |
Xâm canh, làm nhà trong lõi rừng. |
Lấn chiếm đất rừng trồng sắn. |
Theo ghi nhận của PV, có khoảng gần 10 ha rừng ở huyện Mang Yang bị xâm lấn. |
Lõi rừng chỉ còn lại cỏ dại và đường mòn vận chuyển. |
Rừng bị tàn phá, chiếm dụng đất. |
Rừng thuộc dự án KfW10 Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai (gọi tắt là dự án KfW10) do Chính phủ Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tự nhiên ở các vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, nâng cao tiêu chuẩn sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ 2014 đến hết năm 2020 (6 năm). Dự án do Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai là cơ quan chủ quản. Tỉnh Gia Lai được giao quản lý, bảo vệ 5.500 ha rừng. Trong đó, huyện Mang Yang thực hiện thí điểm 2 xã Kon Chiêng và Lơ Pang; riêng làng Tar - xã Kon Chiêng có diện tích gần 2 ngàn ha được tài trợ bởi CHLB Đức. Về trách nhiệm và nghĩa vụ: Các cộng đồng là những người được giao quản lý và bảo vệ rừng. Chính quyền cấp xã phối hợp và kiểm soát việc lập kế hoạch, quản lý tài nguyên rừng đối với những diện tích đã được giao quản lý. Chính quyền cấp huyện là cơ quan chính có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng. Về kinh phí: Dự án KfW10 giao hơn 8 tỉ đồng để quản lý 3,2 ha rừng tại huyện Mang Yang. (Trong đó: Quỹ phát triển sinh kế (VDF) hơn 2,1 tỉ đồng; Quỹ bảo vệ rừng (CFM) hơn 5,8 tỉ đồng). |