GĐ Sở Tài chính: Nước sông Đuống đi vay 80% vốn, dân gánh lãi ngân hàng 2000đ/m3 nước
Giám đốc Sở Tài chính TP Nguyễn Việt Hà khẳng định như vậy tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12/11.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà |
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, người dân phải gánh cả chi phí lãi vay 2.003 đồng cho mỗi mét khối nước sạch sông Đuống. Bởi để xây dựng nhà máy, công ty này đi vay tới 80% (gần 4.000 tỷ đồng) trong tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Trước câu hỏi của báo giới, Hà Nội có “ưu ái” cho nhà máy nước mặt Sông Đuống không khi mua nước của Cty này với giá cao hơn so với mức giá Cty Sông Đà, cao hơn cả mức bán ra, ông Hà cho biết, mức giá 10.246 đồng/m3 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng được nêu trong văn bản được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký tháng 7/2017.
“Đây là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện đầu tư, không phải là giá bán đến người tiêu dùng hay các đơn vị bán lẻ nước”, ông Hà nói.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao giá nước sông Đuống lại cao hơn sông Đà, ông Hà lý giải về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới có sự lệch giá.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, hiện nay, do Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.
“Tới đây, nhà đầu tư phải triển khai quyết toán về giá và có kiểm toán với dự án này. Sau đó đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức khi đó sẽ xác định được giá thành chính xác của công ty nước mặt sông Đuống”, ông Hà thông tin.
Vẫn theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, với Quyết định 3839 năm 2013 của UBND TP, TP Hà Nội đã tính đúng, tính đủ các chi phí của các đơn vị sản xuất và cung cấp nước và không thực hiện cấp bù. Công ty sông Đuống cũng cam kết chưa đề nghị TP cấp bù khi chưa quyết toán dự án, chưa xác định giá bán chính thức.
“Do vậy, đến thời điểm này, TP Hà Nội chưa cấp bù đồng nào từ ngân sách cho công ty sông Đuống”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, thẩm quyền quyết định giá nước sạch theo Nghị định 117 của Chính phủ và Thông tư 75 thuộc thẩm quyền của UBND TP. Về việc Nghị định 32 năm 2019 của Chính phủ quy định nước sạch không còn là dịch vụ công ích nên không được trợ giá, ông Hà cho hay, UBND TP Hà Nội đã xin ý kiến Bộ Tài chính và Bộ đã có văn bản hướng dẫn, trong đó đề nghị TP thực hiện việc xác định giá theo Nghị định 117 và Thông tư 75, trong đó quy định có trường hợp giá nước sạch được quyết định thấp hơn so với phương án tính đúng, tính đủ thì UBND cấp tỉnh xem xét cấp bù từ ngân sách trung ương để đảm bảo quyền và lợi ích của đơn vị.
“Như vậy, sau này, khi TP xác định giá tính đúng tính đủ mà giá bán TP quyết định thấp hơn giá thành của các đơn vị thì sẽ được cấp bù”, ông Hà nói.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, để tăng cường kiểm soát an ninh nguồn nước, TP đã ban hành quy hoạch về cấp nước an toàn, trong đó có quy hoạch, buộc các nhà đầu tư phải kiểm soát về lưu lượng, chất lượng nước… Nhà đầu tư phải cam kết về chất lượng, áp lực nước... đến khách hàng.
“TP yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các tác động gây ảnh hưởng tới nguồn nước tới nhà máy. Tiến tới, TP nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành cấp nước, trong đó tích hợp cả về chất lượng nước, quan trắc, lưu lượng, áp lực… để chỉ đạo kịp thời”, ông Thắng cho hay.