GĐ Sở GTVT TP.HCM: Không thể xử lý triệt để ùn tắc tại Tân Sơn Nhất
Cầu vượt thép mới khánh thành trên đường Trường Sơn. |
Cầu vượt không phải cây đũa thần
Sáng 3/7, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức thông xe cầu vượt thép có hình dạng chữ Y trên đường Trường Sơn.
Cây cầu vượt được khánh thành sớm 2 tháng so với dự kiến, có chiều dài hơn 300m, trị giá gần 250 tỷ đồng, có hai nhánh dẫn vào ga trong nước và quốc tế.
Đây là công trình được làm theo lệnh khẩn cấp, gánh vác mục tiêu giảm các luồng giao cắt của phương tiện giao thông, qua đó góp phần giải quyết ùn tắc khu vực lối vào duy nhất của sân bay.
Tuy nhiên thực tế hơn 20 ngày qua cho thấy tình hình không được cải thiện là bao. Đặc biệt trong ngày 20/7, khu vực này đã xảy ra một vụ kẹt xe kéo dài hơn 4 tiếng, khiến rất nhiều hành khách đi máy bay phải xách va li chạy bộ vào trong.
Đáng chú ý là lượng xe đi lên cầu vượt để vào sân bay không lớn như dự kiến. Điều này đã chứng minh cho nhận định trước đó của nhiều chuyên gia cho rằng ùn tắc tại khu vực này phần lớn là do các loại xe “đi ngang” qua sân bay.
Lý giải nguyên nhân vụ kẹt xe ngày 20/7, ông Cường cho biết rằng thời điểm đó có tới 3 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, cộng với sự phối hợp giữa các lực lượng xử lý chưa phù hợp nên đã xảy ra “kẹt xe dây chuyền”.
Đề cập đến cầu vượt trước sân bay, ông Cường thừa nhận rằng công trình này không thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, mà chỉ có thể giúp tình trạng “đỡ hơn” trước đó.
Ông cũng phân tích rằng, theo quy hoạch đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón 25 triệu hành khách, tuy nhiên chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, nơi này đã đón 18 triệu lượt và dự kiến tăng lên 36 triệu lượt khi hết năm.
Trong khi đó tiến độ các công trình giao thông kết nối quanh sân bay như metro, đường trên cao vẫn đang rất chậm chạp.
Thậm chí tuyến metro số 2 mới chỉ đang giải phóng mặt bằng, trong khi theo quy hoạch tuyến phải được hoàn thành vào năm 2020.
“Xử lý triệt để ùn tắc ở Tân Sơn Nhất trên lý thuyết đã là không thể, chỉ có thể kéo giảm” – ông Cường nhận định, và thông tin rằng trước mắt tiếp tục sắp xếp lại hoạt động trong sân bay, tiến hành mở rộng nút giao tại Lăng Cha Cả, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường. |
Cùng trả lời về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Trần Quang Lâm cho rằng cầu vượt chỉ là một trong nhóm các giải pháp kéo giảm ùn tắc.
Theo ông, bản thân cầu vượt thép không phải là nút giao hoàn chỉnh mà chỉ giải quyết hướng xung đột vào sân bay và các hướng khác, kẹt xe cũng không phải tại đây mà là từ bên ngoài.
Vì vậy ông cho rằng: “Căn cơ là phải mở rộng nút giao Lăng Cha Cả và mở đường song song với đường Cộng Hòa”, đồng thời mở rộng các tuyến đường quanh sân bay (thuộc quận Gò Vấp) để tránh việc các loại xe “mượn đường” qua đây.
Dịch vụ đi xe chung – tốt nhưng còn vướng mắc
Cũng tại cuộc họp này ông Bùi Xuân Cường đã nêu quan điểm về dịch vụ đi xe chung của Grab và Uber. Theo ông, nếu TP không xử lý kịp thời sẽ kìm hãm phát triển.
“Nhìn từ góc độ giao thông thì tốt bởi hành khách chia sẻ hành trình với nhau, tuy nhiên về pháp lý thì Bộ chưa cho phép vì từ trước đến nay mỗi ô tô chỉ có một hợp đồng, nay một ô tô có thể có hai hợp đồng nên rất khó giải quyết trong trường hợp xảy ra tai nạn hay tranh chấp” – ông Cường nói.
Ông Cường còn đề nghị chuẩn hóa mặt pháp lý của các loại phương tiện như xe buýt hai tầng, xe máy điện hay xe đạp dùng chung. Theo ông cả nước sẽ làm theo nếu TP.HCM làm tốt việc này.
Trước đó Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu công ty Grab không cung cấp dịch vụ đi xe chung. Tuy nhiên trên thực tế dịch vụ này vẫn hoạt động và được không ít người sử dụng vì tiện lợi, tiết kiệm chi phí.