GĐ PGD Agribank "biến mất" cùng 17 tỷ: Xử lý những ai?
Quy định chặt chẽ nhưng...
Để hiểu rõ quy trình áp tải, vận chuyển tiền giữa các chi nhánh, phòng giao dịch (PGD) và trách nhiệm của những người có liên quan, phóng viên Infonet đã trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng và được biết, tùy theo từng ngân hàng mà sẽ có quy định về quy trình áp tải tiền cụ thể. Tuy nhiên, hầu hết đảm nhận công việc này là tổ chuyên trách, được giám đốc chi nhánh ngân hàng lập ra. Đối với các PGD có quy mô, đáp ứng đủ điều kiện vẫn có thể thành lập tổ áp tải này dưới sự ủy quyền của chi nhánh hội sở.
Tổ chuyên trách áp tải tiền gồm ba thành phần là lái xe, bảo vệ và nhân viên phụ trách. Những người không có nhiệm vụ không được tham gia vào tổ này. Tùy từng mô hình tổ chức và công việc cụ thể của ngân hàng mà bố trí số người tham gia. Thậm chí, có nơi còn quy định cả về vị trí ngồi trong xe.
Quy trình áp tải tiền được quy định chặt chẽ (Ảnh minh họa, nguồn internet) |
Theo một chuyên gia, đề phòng trường hợp gặp sự cố, các ngân hàng đều mua bảo hiểm cho các chuyến áp tải. Trước khi xe chuyên dụng di chuyển, tổ áp tải phải thông báo địa điểm đi và đến, lộ trình cũng như tuyến đường xe đi qua. Trên toàn hành trình, tổ áp tải phải chịu trách nhiệm về số tiền có trên xe.
Qua đó cho thấy quy trình vận chuyển tiền, tài sản quý hay giấy tờ quan trọng theo quy định là rất chặt chẽ. Thông qua vụ việc ông Nguyễn Lê Kiều Quang – Giám đốc PGD Hòa Hưng “biến mất” cùng 17 tỷ đồng cho thấy vẫn có kẻ hở trong công tác quản lý, quy trình vận chuyển tiền.
Đến nay, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp đối với ông Phú Minh Hòa (SN 1983, ngụ quận 8), nhân viên PGD Hòa Hưng, tổ trưởng tổ điều chuyển tiền để điều tra, làm rõ.
Trách nhiệm của những người liên quan
Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, để xác định những người liên quan có hành vi phạm tội hay không và phạm tội như thế nào thì cần chờ kết quả của cơ quan công an.
Dưới góc độ pháp lý, việc ông Quang đi cùng tổ áp tải và sau đó lấy cớ đổi tiền rồi “biến mất” với số tiền, ở đây có dấu hiệu của thủ đoạn “gian dối” đối với những người quản lý tài sản thuộc tổ chuyển tiền, nhằm chiếm đoạt tài sản là số tiền 17 tỷ đồng của Agribank.
Với hành vi này ông Quang có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Với tư cách là tổ trưởng tổ điều chuyển tiền, ông Phú Minh Hòa đã không thực hiện đúng quy định tại Điều 47 Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Hòa đã không áp tải số tiền này từ khi bắt đầu nhận tiền tại chi nhánh Mạc Thị Bưởi về trụ sở phòng giao dịch Hòa Hưng, mà lại giao tiền cho ông Quang (người không thuộc tổ chuyển tiền).
Việc này đã tạo kẻ hở để ông Quang chiếm đoạt số tiền 17 tỷ đồng của Agribank. Hành vi này có dấu hiệu của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Đối với tài xế cũng không thực hiện đúng quy định tại Điều 57 của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện. Nhân viên bảo vệ chuyên trách cũng không thực hiện đúng quy định tại Điều 56 của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN về trách nhiệm bảo vệ vận chuyển.
Tùy vào hành vi cụ thể mà tài xế và bảo vệ chuyên trách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với ông Hòa trong Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự hoặc bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.