Gần 100 Ủy viên Trung ương trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14
Như Infonet đã đưa tin, chiều 9/6, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại Điều 69, Luật Bầu cử về nguyên tắc bỏ phiếu nêu rõ không được bầu thay nhưng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nhận định việc này chưa được khắc phục, vậy việc công nhận kết quả bầu cử có đúng luật không, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, vừa qua theo một số thông tin và đơn thư của công dân có gửi lên Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) nói là có tình trạng bầu hộ, bầu thay. Sau khi nhận được phản ánh, HĐBCQG đã tiến hành kiểm tra và giao cho ủy ban bầu cử các tỉnh kiểm tra lại, qua kiểm tra có một số ý kiến nặc danh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có một số cử tri nêu gia đình chúng tôi có 6 người và chúng tôi đi bầu cử nhưng do không hiểu biết, đi làm ăn xa nên có việc bỏ phiếu thay. “Đây là có sai nhưng do sự không hiểu biết và không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cho nên Hội đồng bầu cử Quốc gia và các tỉnh đã có sự chấn chỉnh và thấy rằng số phiếu bầu hộ không lớn nên không ảnh hưởng đến kết quả”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) trao đổi với báo chí. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tại những nơi có kết quả bầu hộ lớn làm sai lệch kết quả thì Hội đồng bầu cử Quốc gia đã hủy bỏ kết quả, yêu cầu bầu lại và những trường hợp sai phạm nghiêm trọng đã bầu lại.
Trả lời câu hỏi "tại vòng hiệp thương lần 3 đã loại một số ứng cử viên tự ứng cử gây bức xúc dư luận, có phải do luật chưa chặt chẽ, có cần sửa luật?", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong hiệp thương, có một số ý kiến cho rằng, quá trình tiến hành hiệp thương có loại đi một số ứng cử viên được nơi công tác, nơi cư trú giới thiệu gây phản ứng tốt. Tuy nhiên, tại vòng hiệp thương lần 3 đã có ý kiến biểu quyết chưa đủ điều kiện để tham gia ứng cử ĐBQH nên không nằm trong danh sách. Điều đó cũng cần rút kinh nghiệm để trong quá trình bầu cử đảm bảo đồng thuận từ trên xuống dưới.
Trả lời về việc gần 100 Ủy viên Trung ương Đảng trúng cử vào QH khóa 14, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, tất cả cơ cấu thành phần khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử, chúng ta đã được dự kiến các đại biểu đại diện cho các giai tầng, thành phần cơ quan. Những ủy viên phần lớn là các cơ quan quan trọng, các bộ, ngành, địa phương.
“Việc họ trúng cử nằm trong dự kiến cơ cấu sau hiệp thương, đúng định hướng, góp phần cho vai trò lãnh dạo của Đảng đối với cơ quan lập pháp, cơ quan đại diện cao nhất, cơ quan quyền lực của đất nước”, ông Hiển nói.
Trước chất vấn của phóng viên về việc tỷ lệ ĐBQH khóa 14 tái cử chỉ hơn 30% có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, các khóa trước, số đại biểu cũ tái cử cũng chỉ nằm ở mức 33-35%. Kỳ này cũng là 160 đại biểu cho nên cũng ở mức như vậy.
Theo ông Hiển, qua thực tế các nhiệm kỳ QH, số 1/3 người tái cử này vẫn là nòng cốt hết sức tích cực đảm bảo cho hoạt động của QH, đảm bảo cho chất lượng QH ngày càng tăng lên.
“Số 2/3 tham gia mới phần lớn là đại biểu có đủ tiêu chuẩn, tham gia dân cử ở địa phương cho nên số 1/3 đại biểu tái cử không làm ảnh hưởng đến chất lượng của QH, đảm bảo cho hoạt động của QH luôn đổi mới tích cực hơn”, ông Hiển nói.
Tham dự buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc bầu thiếu người tại Quốc hội khóa này là không mới, nhiệm kỳ trước cũng có như: khóa 9 thiếu 5 người, khóa 11 thiếu 2 người, khóa 12 thiếu 7 người và cũng không bầu thêm. Số thiếu rất nhỏ so với số cần bầu.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, số người ngoài Đảng ứng cử là 97 người là cao, nhưng chỉ bầu được 21 người, hoàn toàn do cử tri xem xét, đánh giá, lựa chọn, là quyền của cử tri lựa chọn người đại diện cho mình.