Facebook có "thực lòng" đấu tranh với các nhóm tội phạm mạng?
Theo Dailymail, không chỉ buôn bán thông tin thẻ tín dụng, các nhóm đối tượng này còn bán cả thông tin cá nhân như bằng lái xe và các mẫu nhận dạng hình ảnh, cùng với các bộ công cụ lừa đảo email, các dịch vụ giả và nhiều hoạt động trái phép khác.
Phát hiện của Cisco càng cho thấy, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook ngày càng phải đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực ngăn chặn tội phạm mạng của mình. Tuy nhiên, những nỗ lực của Facebook dường như không hiệu quả, có người còn nghi ngờ Facebook đang "dung dưỡng" với các nhóm tội phạm mạng!?
Thẻ tín dụng giả cùng với thông tin của nạn nhân được bán công khai trên Facebook. |
Các nhà nghiên cứu của Cisco cho biết, tổng cộng các nhóm tội phạm này có khoảng 385.000 tài khoản thành viên. Những nhóm Facebook tội phạm trên mạng không hề ít và chúng coi đây là “chợ trời tội phạm trực tuyến”, bởi vì chúng hoạt động rộng rãi và công khai ngay trên Facebook mà không hề bị... kiểm soát.
Đáng chú ý, nhiều nhóm tội phạm đặt tên rất rõ ràng như “Spam Professional” (Chuyên gia thư rác), “Spammer & Hacker Professional” (Chuyên gia xâm nhập và phát tán thư rác) và “Facebook hack (Phishing)” (Lừa đảo xâm nhập Facebook)... nhưng Facebook đã không có bất cứ động thái nào ngăn chặn.
Với người dùng, bạn cũng có thể tìm kiếm các từ khóa như “spam”, “carding” hay “CVV”, là sẽ nhận được rất nhiều kết quả. Các mẫu tin rao bán dữ liệu ăn cắp thông tin cá nhân như “Selling CVV fresh $5” (bán số xác thực thẻ mới nhất 5 USD) hay “100k mail list fresh” (danh sách 100 ngàn địa chỉ mail mới nhất) cũng không khó để tìm kiếm.
Facebook có đang "dung dưỡng" các nhóm tội phạm mạng hay không? |
Các nhà nghiên cứu Talos cho biết thêm, mặc dù có tên khá “lộ liễu”, nhưng những nhóm tội phạm này đã hiện diện trên Facebook trong tới 8 năm và không ngừng thu hút hàng chục ngàn thành viên tham gia nhưng Facebook lại coi như... không hề hay biết.
Điều đáng nói, khi những nhà nghiên cứu Talos bắt đầu tìm kiếm các nhóm kiểu này, thuật toán của Facebook thậm chí đã gợi ý thêm các nhóm tương tự ở phần Các nhóm bạn có thể biết trên trang Facebook.
Chỉ sau khi các nhà nghiên cứu Talos báo cáo cho Facebook, toàn bộ 74 nhóm tội phạm này mới bị Facebook gỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều nhóm mới tương tự vẫn tiếp tục xuất hiện và được đổi tên dưới các vỏ bọc tinh vi hơn. Điều đáng chú ý hơn, đa số các nhóm này đã được tạo ra trong năm 2018.
Được biết, từ tháng 7 đến tháng 9/2018, Facebook đã gỡ bỏ hơn 1,2 tỉ mẫu nội dung thư rác. Bên cạnh đó, gần đây Facebook cũng đã tăng gấp đôi đội ngũ an ninh lên hơn 30.000 người.
Tuy nhiên, các nỗ lực phát hiện của các nhà nghiên cứu Talos càng minh chứng rõ ràng rằng, những hoạt động trái phép như phát tán thư rác, lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản và bán dữ liệu ăn cắp trên Facebook đang ngày càng phổ biến và không dễ dàng kiểm soát.