Dừng thông qua Nghị quyết 35 thể hiện trách nhiệm của Quốc hội
ĐBQH Lê Nam |
ĐBQH nêu quan điểm khi Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội kết thúc mà Quốc hội chưa thông qua Nghị quyết 35:
ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa): Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là một vấn đề rất mới. Trong quá trình tiếp xúc, lấy ý kiến cử tri về việc sửa Nghị quyết 35 có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc tại sao lại đưa ra 3 mức tín nhiệm, tại sao lại chỉ lấy tín nhiệm 1 lần trong 1 nhiệm kỳ...
Chúng ta dừng thông qua Nghị quyết 35 tại kỳ họp này cho thấy các ĐBQH đã làm hết sức trách nhiệm với cử tri cả nước. Điều này hi vọng Nghị quyết 35 sắp tới sẽ rất tốt, vừa thể hiện ý chí của cử tri cả nước, vừa bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, trong kỳ họp này, tôi cũng rất tâm đắc với tiếng nói của các ĐBQH đối với hành vi phạm ngang ngược của Trung Quốc. Có những ý kiến cực kỳ nóng bỏng và cũng rất nhạy cảm đã được nói lên trong diễn đàn Quốc hội, như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời rất minh bạch rằng nền kinh tế của chúng ta không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng cũng đặt ra những vấn đề có nguy cơ rất hiện hữu. Nếu nền kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc chúng ta sẽ rất khó khăn, không chỉ hôm nay mà còn ngày mai nữa.
Nhiều ĐB mong muốn Quốc hội ra một nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên tôi nghĩ có thể do thời gian quá gấp để bàn việc ra nghị quyết này. Thứ hai, trong chương trình làm việc, Quốc hội đã ra tuyên bố thể hiện tiếng nói của Quốc hội về vấn đề Biển Đông cũng như chủ trương của chúng ta trong thời gian sắp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ đất nước.
ĐBQH Trương Văn Vở |
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 7 cần tiếp tục duy trì, phát huy cho hoạt động giám sát của ĐBQH. Qua chất vấn, những vấn đề trọng tâm đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan trả lời chất vấn phải xác định rõ trách nhiệm, đồng thời xác định giải pháp lộ trình, thời gian cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian xác định mà cử tri rất quan tâm qua hoạt động chất vấn.
Bên cạnh đó tôi cũng rất quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn, tháo gỡ những vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm. Khi chất vấn cũng nên dành thời gian để tranh luận, kể cả với các Bộ, ngành liên quan khác. Trong các phiên chất vấn cần có sự tranh luận để làm rõ vấn đề, có giải pháp giải quyết đến cùng.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Đây là kỳ họp sau khi có Hiến pháp năm 2013 nên tất cả các nội dung, đặc biệt các dự án Luật đưa ra lấy ý kiến Quốc hội lần này cũng như việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp là những nội dung hết sức quan trọng, được các ĐBQH quan tâm.
Các nội dung khác diễn ra trong kỳ họp, đặc biệt phiên chất vấn lần này, các Bộ trưởng đã thể hiện bản lĩnh rất rõ ràng và chất lượng của phiên chất vấn ngày càng được nâng cao.
Vấn đề Biển Đông cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm không chỉ riêng đối với đại biểu Quốc hội mà cả với cử tri trong cả nước. Mặc dù Quốc hội không ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề Biển Đông, nhưng trong quá trình thảo luận tại hội trường cũng như phát biểu phiên khai mạc và bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng đã thay mặt các ĐBQH thể hiện rất rõ ràng chính kiến của Việt Nam.
Bên cạnh đó việc chưa ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề Biển Đông cũng phù hợp với tình hình hiện nay, bởi trong điều kiện cụ thể, với vai trò của Quốc hội, chỉ khi nào có những vấn đề thực sự phải có quyết đáp mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ quốc tế, Quốc hội mới ban hành những nghị quyết như vậy. Còn trong tình hình hiện nay, việc thể hiện quan điểm và chính kiến của Quốc hội như vậy về vấn đề Biển Đông là phù hợp.
Một vấn đề quan tâm khác là Quốc hội quyết định lùi thông qua sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu. Điều này cũng là một sự thận trọng của Quốc hội để một lần nữa xem xét lại trên cơ sở ý kiến của cử tri, để Nghị quyết này khi đi vào cuộc sống sẽ hiệu quả, thiết thực hơn.