Đừng để tái diễn cảnh "đầu gấu" chặn xe khách
Mới đây, Báo Giao thông Vận tải đưa tin về tình trạng đầu gấu chặn xe khách ép lái xe dừng xe tại điểm dừng chân tại Hà Nam. Nếu không có biện pháp kịp thời, rất có thể tình trạng này sẽ tái diễn. PV Infonet có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TP.HCM) để hiểu rõ vấn đề nhìn từ pháp luật.
"Đầu gấu" chặn xe (ảnh: Báo Giao thông Vận tải) |
Báo Giao thông Vận tải đưa tin: "Khoảng 15h ngày 5/5, phóng viên có mặt trên chiếc xe khách loại 24 chỗ ngồi của một nhà xe chạy tuyến trên quốc lộ 1 qua địa phận xã Tiên Tân, TP Phủ Lý. Hơn 40 cây số từ Hà Nội về Hà Nam, mọi chuyện đều diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi đến gần đoạn Km5, xã Tiên Tân (gần cây xăng Hồ Gươm) thì thái độ của cả lái, phụ xe và hành khách bỗng có sự thay đổi bất thường khi xuất hiện một nhóm thanh niên mặc áo đen đứng dàn hàng ngang giữa đường. Tài xế liền quay xuống phía hành khách nói: “Các bác chuẩn bị dừng nghỉ, ai cũng phải xuống xe nhé, đừng ngồi trên xe nhỡ có chuyện”. Như đã biết việc, khách trên xe căn dặn nhau: “Nghỉ một chút rồi đi nhé, đừng có mua gì cả!”.
Thưa luật sư, trước những thông tin, hình ảnh báo chí đưa tin về việc "đầu gấu" chặn ép xe khách phải vào dừng chân, nghỉ tại Hà Nam, luật sư có nhận định gì về vấn đề này?
Đây là những hành vi đã xảy ra nhiều trước đây ở nước ta, có những sự việc đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng là đánh chết người, cố ý gây thương tích và có nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm về mặt hình sự cũng như hành chính. Đây là những hành vi mà cá nhân tôi cho rằng không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh, tiến bộ. Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần xử lý nghiêm minh, công tâm đối với những người, tổ chức có hành vi vi phạm về lĩnh vực này. Bởi theo tôi việc xử lý các đối tượng này là không khó khăn và tốn kém như nhiều lĩnh vực khác. Đây là những hành vi mà dư luận rất bức xúc vì đã xảy ra nhiều từ trước đến nay nhưng vẫn không được xử lý và giải quyết dứt điểm tại một số địa phương.
Theo luật sư, việc “chặn ép” như vậy gây ra hậu quả như thế nào cho xã hội?
Việc chặn ép xe như vậy vừa gây mất trật tự an toàn xã hội, cản trở giao thông gây ùn tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng. Nghiêm trọng hơn những hành vi trên có thế gây ra xung đột có thể dẫn đến hành vi gây thương tích cho nhau, nặng hơn là hậu quả có thể chết người và những hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc chặn ép như vậy làm người ngồi trên xe không hài lòng vì bị bắt buộc mua hay sử dụng sản phẩm không bảo đảm chất lượng nhưng vì lo sợ bị đánh đập nên phải sử dụng. Đây là những hành vi cần lên án và các cơ quan chính quyền địa phương phải ngăn chặn xử lý nghiêm minh bảo đảm cho người đi xe cũng như bảo đảm không có hành vi cản trở giao thông như trên lặp lại, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Nhìn từ góc độ luật pháp, việc chặn ép xe khách như vậy vi phạm quy định nào của pháp luật?
Tuỳ theo tính chất của hành vi, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà những tổ chức, cá nhân này có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
(Trích Nghị định số 167/2013/NĐ-CP)
Vi phạm quy định về trật tự công cộng, mức xử phạt có thể từ 100.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, tuỳ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể bị xử lý về mặt hình sự theo quy định tại điều Điều 203 Tội cản trở giao thông đường bộ hoặc điều 245 Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Luật sư có đánh giá gì về trả lời của người quản lý an ninh trật tự tại địa bàn với hình ảnh báo chí cung cấp?
Trong bài báo nêu trả lời của người phụ trách trật tự an ninh tại địa bàn cho rằng chỉ có vẫy, không có chặn ép. Việc người phụ trách quản lý an ninh tại địa phương trả lời theo phản ánh báo chí tôi thấy không khớp với nội dung báo chí phản ánh và không hài lòng.
Nếu hành vi vi phạm chặn xe theo thông tin báo chí có thật thì theo tôi cần xử lý nghiêm minh, công tâm, khách quan những đối tượng vi phạm này. Tôi nghĩ cần có cơ quan đứng ra xem xét nội dung báo chí phản ánh và xem xét lại nội dung trả lời cũng như trách nhiệm của người phụ trách an ninh trật tự tại đây.
Luật sư có nghĩ tỉnh Hà Nam phải có những động thái mạnh mẽ hơn với vấn đề này không?
Tôi và nhiều người dân khác ở khắp trên cả nước mong đợi chính quyền địa phương cũng như công an địa phương nơi xảy ra vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, khách quan để vừa bảo đảm an ninh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng, sức khoẻ cho những người ngồi trên xe và những người tham gia giao thông nhằm tạo niềm tin cho nhân dân.
Việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những hành vi vi phạm để hạn chế tiếp diễn những hành vi tương tự xảy ra ở Hà Nam cũng như các địa phương khác. Đồng thời khi xử lý nghiêm những hành vi trên chúng ta cũng sẽ hạn chế được nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, gây hậu quả chết người do từ hành vi ngăn chặn xe như trên. Và không để xuất hiện trở lại tình trạng “xe dù cơm tù” cách đây nhiều năm.