Dùng 2.100 tỷ đồng "tiết kiệm" từ năm 2015 để tăng lương
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến hết năm 2015 đã cơ bản thực hiện xong các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt đầu năm, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đã ban hành.
Hiện nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2015 là 5.460 tỷ đồng, gồm: Nguồn dự phòng NSTƯ năm 2015 bố trí dự toán 13.000 tỷ đồng; đã phân bổ, sử dụng 10.171 tỷ đồng, còn lại 2.829 tỷ đồng; Kinh phí tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các bộ, cơ quan trung ương 596 tỷ đồng; Kinh phí thường xuyên năm 2015 đã giao cho các bộ, chậm triển khai, thực hiện cắt giảm dự toán theo quy định 25 tỷ đồng...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Theo ông Đinh Tiến Dũng, dự toán đã bố trí tại các lĩnh vực chi NSTƯ năm 2015, do kinh phí không đủ điều kiện phân bổ vì nhiệm vụ chậm triển khai hoặc không phát sinh nhu cầu chi 2.010 tỷ đồng; trong đó: chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo còn dư khoảng 1.800 tỷ đồng, gồm: kinh phí thực hiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện (nội dung đổi mới sách giáo khoa và hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông) 500 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí khoảng 1.300 tỷ đồng;
“Riêng nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp Quốc hội đã cho phép để xử lý cân đối NSTƯ năm 2015. Như vậy, kết hợp các nguồn nêu trên, tổng nguồn lực của NSTƯ đến hết năm 2015 là 15.460 tỷ đồng ”, ông Dũng cho biết.
Đề cập đến phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTƯ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự kiến phương án phân bổ sử dụng 5.460 tỷ đồng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTƯ năm 2015 như sau: Thứ nhất, bù đắp số hụt thu cân đối NSTƯ năm 2015 là 2,144 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ kết quả thu cân đối NSTƯ năm 2015, bố trí sử dụng 2.144 tỷ đồng để bù đắp số hụt thu NSTƯ, thực chất là giảm chi NSTƯ.
Đối với vấn đề cân đối ngân sách địa phương, năm 2015 có 5 địa phương giảm thu (không kể thu tiền sử đụng đất) so dự toán là 1.410 tỷ đồng, gồm: Kon Tum giảm 18,8 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 840,54 tỷ đồng, Trà Vinh giảm 148,84 tỷ đồng, Cần Thơ giảm 301,76 tỷ đồng và An Giang giảm 100,2 tỷ đồng.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, vấn đề này sẽ được xử lý như sau: Đối với số 50% giảm thu để cân đối chi ngân sách địa phương (NSĐP) - 705 tỷ đồng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, sau khi các địa phương sử đụng các nguồn lực tài chính của mình, thì cơ bản đảm bảo được nguồn chi theo dự toán (riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn thiếu 6,89 tỷ đồng, do số thiếu không lớn, nên tỉnh tự sắp xếp, cân đối được chi NSĐP năm 2015).
Đối với số giảm nguồn cải cách tiền lương (tương ứng 50% số giảm thu là 705 tỷ đồng) sẽ xem xét, xử lý theo kết quả thẩm định tiền lương theo quy định.
Thứ hai, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết Quốc hội: 1.216 tỷ đồng, gồm: Thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa NSTƯ và NSĐP cho các địa phương: 1.128 tỷ đồng.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, các năm trước, NSTƯ đều thực hiện thưởng vượt thu cho các địa phưomg mức tối đa 30% của số vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kết quả vượt thu thực tế (bao gồm cả các năm 2012, 2013 NSTƯ bị giảm thu tổng thể).
“Đối với năm 2015, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kết quả vượt thu thực tế, thì mức tối đa 30% của số vượt thu thưởng cho 10 địa phương là 2.255 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.
Theo báo cáo ngoài các khoản chi trên, Chính phủ sẽ dành 88 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư trở lại từ số vượt thu tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ cho các địa phương và bổ sung kinh phí chi cải cách tiền lương 2.100 tỷ đồng.
Giải thích về lý do dành 2.100 tỷ đồng để bổ sung kinh phí cải cách tiền lương, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu kinh phí để xử lý số thiếu nguồn làm lương năm 2015 do 9 địa phương thực hiện thu NSĐP năm 2014 hụt so dự toán, làm hụt nguồn cải cách tiền lương năm 2015 khoảng 1.877 tỷ đồng và xử lý chế độ phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được công nhận trong giai đoạn 2014 - 2015 khoảng 300 tỷ đồng.
“Căn cứ khả năng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTƯ năm 2015, dự kiến bố trí 2.100 tỷ đồng đế bổ sung nguồn chi cải cách tiền lương”, ông Dũng báo cáo.
Sau khi các đại biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đối với khoản 5.460 tỷ là điều chỉnh chi và tiết kiệm chi thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và thấy rằng đề nghị của Chính phủ là phù hợp quy định pháp luật là bù thu, thưởng cho 10 tỉnh, hỗ trợ các tỉnh cửa khẩu vượt thu và chính sách thực hiện tiền lương nên thống nhất phương án phân bổ.
“Riêng khoản chi 10 ngàn tỷ đồng không thuộc thẩm quyền UBTVQH, đề nghị Chính phủ trình ra Quốc hội và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương là chỉ chi cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu”, ông Hiển nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, ta hiện nay đang nợ tiền chính sách nhà ở với người có công (260.808 người có công với 9.600 tỷ đồng. Đây là vấn đề cần báo cáo lại và Chính phủ cần làm rõ tờ trình để thẩm tra trình QH.
Kết thúc nội dung thảo luận, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất với kế hoạch chi 5.460 tỷ đồng tiết kiệm được từ thu chi ngân sách nhà nước năm 2015 do Chính phủ trình.