Đưa ra nghị trường việc một tờ báo của Bộ Y tế “xúc phạm” ĐBQH
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương bức xúc vì một tờ báo của Bộ Y tế có lời lẽ xúc phạm ĐB (Ảnh st) |
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực UBPL nêu ý kiến ngay tại nghị trường sáng 16/6, trước sự việc một tờ báo đăng tải ý kiến của ông Cục trưởng Cục quản lý dược phản biện lại ĐBQH trong phiên chất vấn về việc quản lý giá thuốc.
Sau hơn 12 năm thực hiện, Luật tổ chức Quốc hội được sửa đổi, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc sửa đổi bổ sung là hết sức cần thiết. Mục tiêu đặt ra cho việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội lần này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, làm sao cho hoạt động của Quốc hội phải thực chất và tránh hình thức.
Vấn đề mấu chốt nhất theo ĐB Cương là phải làm rõ hệ thống cơ cấu tổ chức của Quốc hội Việt Nam. Trong dự thảo luật chưa có điều nào quy định về hệ thống tổ chức của Quốc hội. Nếu căn cứ vào các quy định nằm rải rác trong dự thảo luật thì thật vô cùng khó để thể hiện ra một sơ đồ tổ chức của Quốc hội với đầy đủ các mối quan hệ trên dưới, dọc ngang.
Cũng liên quan đến tổ chức của Quốc hội, ĐB Cương cho rằng, việc thành lập hay chia tách các ủy ban của Quốc hội có thể không thực sự cần thiết. Quan trọng là cần có sự kiện toàn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban, tránh sự chồng chéo và không hiệu quả như hiện nay.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến đại biểu Quốc hội, Điều 40 của dự thảo luật quy định tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội nhưng không ghi rõ nội hàm của tiêu chuẩn đó. Nếu nói có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, có năng lực, có sức khỏe thì dường như ai cũng có. Vấn đề thế nào là có trình độ, có năng lực, có đủ sức khỏe thì hiểu thế nào cũng được. Tiêu chuẩn chung là như vậy nhưng các tiêu chuẩn riêng của từng loại đại biểu thì không có quy định.
“Tôi cho rằng tiêu chuẩn của đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm phải khác nhau chứ không thể giống nhau được. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội phải thể hiện quy định cụ thể hơn và làm cơ sở cho việc lựa chọn. Cũng liên quan đến tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội thì dự thảo này cũng cần quy định rõ về tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề cập đến Điều 49, quy định quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội nhưng lại không có quy định về việc đảm bảo quyền đó và việc xúc phạm đại biểu Quốc hội khi đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đó như thế nào.
ĐB Cương đơn cử như tại phiên chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội chất vấn về vấn đề giá thuốc và Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã có trả lời công khai. Nhưng sau đó Báo Sức khỏe và Đời sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế lại đăng phỏng vấn ông Cục trưởng Cục quản lý dược và nói đại biểu có nhận định không mang tính xây dựng.
“Việc sử dụng cơ quan của Bộ và có lời lẽ xúc phạm đến đại biểu như vậy có được phép không? Luật phải nói rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào” – ĐB Cương nhấn mạnh.
ĐB cũng đề xuất thêm một chế định trong luật, đó là cần quy định việc lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu sự điều trần trước Quốc hội, phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội như các Bộ trưởng và Trưởng ngành. Vì trên thực tế rất nhiều quyết định của Quốc hội như các chương trình dự án, chỉ dành cho một hoặc cho một số địa phương.
“Đối tượng thực hiện là địa phương chứ không phải các Bộ cho nên thật vô lý khi các tỉnh, thành phố là người trực tiếp thực hiện mà chỉ các Bộ trưởng lo trả lời chất vấn trước Quốc hội. Theo tôi lãnh đạo các địa phương cũng phải chịu sự chất vấn của đại biểu Quốc hội như trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân” – ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.