Dự thảo Luật Hôn nhân & Gia đình: Người đồng tính lo bị “bỏ rơi”?
Người đồng tính thất vọng trước Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia Đình sửa đổi. (Ảnh minh họa) |
Vào chiều ngày 27/5, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội đã đọc “Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình”. Trong đó, đề nghị chuyển điều khoản cấm hôn nhân cùng giới thành “nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời bỏ đi Điều 16 quy định về việc giải quyết hậu quả pháp lý của các cặp đôi cùng giới sống chung.
Trước thông tin này, ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS – Tổ chức Bảo vệ và Thúc dẩy quyền con người cho rằng: “Khi biết tin này, cộng đồng LGBT và gia đình họ rất thất vọng. Thất vọng vì thấy công sức của mình sau hơn 2 năm không được ghi nhận vào luật. Thất vọng vì một luật ra đời không đáp ứng được chuẩn mực về bảo vệ quyền con người cũng như các giá trị nhân văn và nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Thất vọng vì luật đã không phản ánh hết được nguyện vọng và sự ủng hộ của người dân với cộng đồng LGBT”.
Cũng theo ông Tùng, hơn 50% số người được hỏi ủng hộ cặp đôi cùng giới có quyền nuôi con chung và sở hữu tài sản chung, theo điều tra quốc gia về quan điểm của người dân do Viện Xã hội Học, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, và Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện năm 2013.
Đại diện Viện iSEE cũng cho rằng, bỏ đi Điều 16, Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình tiếp tục duy trì sự phân biệt đối xử với người đồng tính và gia đình họ, không bảo vệ được những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình có hai người mẹ hoặc hai người bố. Dự thảo đã "bỏ rơi" hàng triệu người đồng tính song tính và chuyển giới tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành.
Do đó, iSEE kêu gọi các đại biểu Quốc Hội khóa XIII hãy bỏ điều khoản “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Bổ sung lại điều 16 với nội dung: “Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên. Nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.”
Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình vào cuối kỳ họp này.