Dự thảo Bộ luật TTHS: Đã nhấn vào điểm dễ gây oan sai, nhưng chưa đủ
Trước đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã trình bày Tờ trình dự án sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự. Theo đó, nhiều nội dung như bắt buộc ghi hình hoặc ghi âm khi lấy lời khai bị can..., UB Tư pháp Quốc hội không tán thành.
Để góp tiếng nói cùng Quốc hội bàn về Dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi), PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp HCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, hôm 20/5, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đọc tờ trình, trình quốc hội về dự thảo Bộ luật TTHS. Vậy là người trực tiếp thực hành pháp luật, luật sư có nhận xét gì về dự thảo này?
Trước hết, tôi cho rằng đây là sự nỗ lực to lớn đóng góp cho việc lập pháp nhằm hoàn thiện hơn trong quá trình xây dựng hoàn chỉnh Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam trong quá trình pháp điển hóa các bộ luật của mình nhằm vừa đấu tranh phòng chống tội phạm, vừa phù hợp với luật pháp của các quốc gia có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Tuy nhiên, đây chỉ là một bản dự thảo chưa được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua, nên nếu với một cá nhân phát biểu mang tính đánh giá toàn văn bản dự thảo bộ luật này thì tôi e rằng bản thân cá nhân mình sẽ không thể phản ánh được đầy đủ tinh thần xây dựng pháp luật.
So với Bộ luật TTHS hiện hành, dự thảo này có gì tiến bộ hơn?
Tất nhiên là dự thảo lần này có rất nhiều điểm tiến bộ so với Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003. Vì trong đó quy định nhiều vấn đề thể hiện sự tôn trọng quyền con người (nhân quyền) trong hoạt động tố tụng Hình sự, Có thể ví dụ đó là các quyền im lặng hoặc nguyên tắc suy đoán vô tội… trong Bộ luật lần này được ghi nhận rõ nét hơn thay cho các khái niệm khá mờ nhạt của Bộ luật trước đây khi nói về các vấn đề cơ bản ấy.
Thưa luật sư, dự thảo này ra đời cùng với thời điểm có vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, vậy người soạn thảo đã tính đến việc giảm án oan chưa? Cây gậy pháp lý đó là gì?
Hiện nay hàng loạt các Bộ luật yêu cầu phải điều chỉnh gấp rút để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/BCT mà thời gian rút ngắn chỉ còn 5 năm nữa là phải hoàn tất quá trình “đại cải cách” trong hoạt động tư pháp này.
Do đó, với thực tiễn xuất hiện khá nhiều vụ án oan trước thềm hoàn chỉnh yêu cầu cải cách vừa là một áp lực, lại cũng vừa là những thực tiễn minh họa để các nhà làm luật cẩn trọng hơn trong quá trình đóng góp xây dựng pháp luật theo trách nhiệm của mình nên việc chống và giảm án oan là yêu cầu cần thiết, là sự chỉ đạo không chỉ cho việc giảm án oan mà phải chặn đứng án oan, án sai trong hoạt động tố tụng, trọng tâm là hoạt động xét xử công khai tại các phiên tòa.
Cây gậy pháp lý đó chính là hành lang pháp lý về tố tụng, là quy trình thủ tụng tố tụng nghiêm ngặt mà không thể chó bất kỳ một cá nhân hoặc tổ chức nào phá rào để áp đặt lên những bản án oan lên số phận con người. Vi phạm các quy định đó sẽ là những sự trừng phạt pháp lý như những cây gậy pháp lý vào những người có các chức danh tư pháp khác nhau khi họ làm sai các quy trình tố tụng luật định.
Theo tôi điều đó chính là những yêu cầu then chốt. Vì để hạn chế án oan, án sai thì nguyên tắc “suy đoán vô tội” là nguyên tắc tiến bộ mà Bộ luật tố tụng trước đây từng quy địnhm nhưng điều đó chỉ được xem như một khẩu hiệu hào nhoáng.
Còn việc đảm bảo quyền được bào chữa, tự bào chữa thì như một quy định nhiều khi chỉ mang tính ban phát sau khi gạo đã nấu thành cơm, hồ sơ vụ án đã kết thúc sau khi nghi can thừa nhận tất cả những hành vi phạm tội, có khi đó chỉ là những hành vi từ sự tưởng tượng của chính phạm nhân hoặc của các bộ điều tra qua những sự tra tấn, nhục hình. Nói rằng tra tấn, nhục hình thì có chứng cứ gì không thì những vụ án gần đây ở Bắc Giang, Phú Yên, Sóc Trăng…vv… đã trả lời thay câu hỏi này.
Theo luật sư, với điểm nhấn này, dự thảo đã nhấn đủ vào các điểm dễ gây oan sai hay chưa? Nếu chưa cần phải cụ thể như thế nào nữa, thưa luật sư?
Theo tôi thì vẫn chưa đủ. Vì chỉ đề nhằm chống oan sai trong các vụ án Hình sự thì ít nhất phải có 3 sự thay đổi lớn so với luật tố tụng hình sự hiện nay: 1/ Nghi can được quyền im lặng cho đến khi có sự hiện diện của luật sư ngay từ khi đối diện với cơ quan công quyền trong hoạt động tố tụng. 2/ Việc lấy cung phải có chứng cứ, cho dù có luật sư hay không có luật sư thì cũng phải nhất thiết có camera ghi âm, ghi hình và thứ ba là Cơ quan nhà tạm giữ, trại tạm giam, thậm chí trại giam cũng sẽ phải giao về cho một cơ quan khác không thuộc Bộ Công an, ví dụ như Bộ Tư pháp.
Xin cảm ơn luật sư!